Chủ doanh nghiệp được UBND tỉnh Hòa Bình trình đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh hơn 3.000 tỉ đồng là ai?

Theo Tờ trình UBND tỉnh Hòa Bình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích đất trồng lúa 47,67ha để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình. Theo hồ sơ doanh nghiệp, công ty được cấp phép ngày 11/10/2016, địa chỉ ở thôn Lão Nội, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, người đại diện là bà Phan Thanh Hà (1986).

Tờ trình của UBND tỉnh Hòa Bình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy (xã Phú Lão – huyện Lạc Thủy – tỉnh Hòa Bình). Ngay sau khi nhận được tờ trình, Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản này đến Bộ TN&MT để chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét, xử lý. Cũng theo tờ trình, tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển 47,67ha đất trồng lúa năm 2019 để thực hiện dự án. Đơn vị làm chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình.

Theo nội dung tờ trình, Dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016. Sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô 10.000 lượt khách/ngày, tương đương 3 triệu lượt khách/năm.

Dự án được xây dựng gồm các hạng mục chính như: Khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ cáp treo, khu công viên Nguồn cội, Công viên Việt Nam quê hương tôi, Công viên chủ đề vui chơi giải trí, khu nhà ở Hoa Sen, khu nhà ở Làng quê Việt, khu dịch vụ mặt nước sinh thái...

Theo hồ sơ, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.038 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là hơn 455 tỉ đồng (chiếm 15% tổng số vốn), phần còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp.

Dự án Khu du lịch tâm linh Lạc Kỳ - Hòa Bình chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét. (Ảnh Google Maps).

Dự án Khu du lịch tâm linh Lạc Kỳ - Hòa Bình chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét. (Ảnh Google Maps).

Tại tờ trình cũng nêu rõ đề xuất của chủ đầu tư khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy được chia thành 2 phân khu.

Phân khu 1 diện tích sử dụng đất khoảng 81ha xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình; đường giao thông, khuôn viên cây xanh; xây dựng công viên làng du lịch Việt Nam; xây bảo tàng nguồn cội; xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ và xây dựng các công trình thương mại dịch vụ.

Phân khu 2 rộng 38,9ha xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Sau khi đi vào hoạt động, khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy dự kiến đón khoảng 10.000 lượt khách/ngày, tương đương khoảng 3.000.000 lượt khách/năm.

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dự án của tỉnh Hòa Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét. Ảnh: Lê Bảo.

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra tại Hà Nội, trả lời báo chí liên quan đến UBND tỉnh Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án tâm linh này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dự án dự kiến được triển khai tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy do Công ty TNHH một thành viên Pacific – Hòa Bình làm chủ đầu tư. Đề nghị này đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét.

"Chúng ta đều biết việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng. Những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương. Ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1267 chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét.

Như vậy, dự án của tỉnh Hòa Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét. Báo chí đưa thông tin như vậy rất tốt vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác là việc được quy định rất nghiêm ngặt", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.

Theo hồ sơ pháp lý của dự án, Công ty Pacific - Hòa Bình có trụ sở chính tại thôn Lão Nội, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy. Văn phòng đại diện có địa chỉ tại đường Lý Thường Kiệt (Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người đại diện pháp luật của Công ty Pacific - Hòa Bình là bà Phan Thanh Hà (sinh năm 1986).

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV viên Pacific - Hòa Bình là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (Tập đoàn Thái Bình Dương). Tập đoàn được thành lập từ năm 2001 do ông Phan Văn Quý làm chủ tịch HĐQT.

Tập đoàn Thái Bình Dương đã và đang đầu tư các dự án "khủng" như: Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Hương Sơn, Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy, Dự án cáp treo Hương Bình, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Khu biệt thự Vườn Dừa - Thành phố Hồ Chí Minh, Khu biệt thự cao cấp Hồ Tây và Tổ hợp TT dịch vụ thương mại, căn hộ và văn phòng Hoàng Thành Tower.

Tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng: "Việc hình thành các khu du lịch tâm linh và thương mại dịch vụ chiếm hàng nghìn hecta đất liệu cần thiết hay không?".

Trả lời chất vấn Đại biểu Nguyễn Văn Hòa, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua xuất hiện một số dự án hỗn hợp như trên. Việc này hiện kiểm soát chủ yếu bằng giấy phép xây dựng. Trong giấy phép sẽ quy định cụ thể về việc cải tạo nâng cấp công trình và phải có sự đồng ý của cơ quan Nhà nước về tôn giáo địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại với vấn đề trên theo Bộ trưởng là quy định hiện chưa nêu rõ đây là các dự án trong quy hoạch du lịch hay đô thị. Bởi thế, một số địa phương vận dụng chưa thống nhất. Bộ trưởng khẳng định sẽ có quy định cụ thể hơn về vấn đề này theo hướng tiêu chuẩn sử dụng đất trong các dự án hỗn hợp sẽ phân biệt rõ đâu là đất cho tâm linh hay cho du lịch.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chu-doanh-nghiep-duoc-ubnd-tinh-hoa-binh-trinh-de-xuat-xay-dung-khu-du-lich-tam-linh-hon-3000-ti-dong-la-ai-2019100510293221.htm