Chủ động, bảo đảm cung ứng đủ xăng, dầu

Năm 2024, dự kiến nước ta cần tối thiểu 28,42 triệu mét khối /tấn xăng dầu các loại phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bộ Công Thương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu nêu trên nhằm đáp ứng đủ số lượng xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống.

Doanh nghiệp chủ động kế hoạch nguồn cung

Năm 2024, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng mạnh nhất tới xu hướng giá xăng dầu, bao gồm: Rủi ro địa chính trị, tác động của OPEC+ (liên minh gồm các nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) và nhu cầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh, căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu (KDXD) năm 2023; căn cứ đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối KDXD năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 tổng cộng gần 28,42 triệu mét khối/tấn xăng dầu các loại (cao hơn năm 2023 là 2,4 triệu mét khối/tấn).

Chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị nguồn cung xăng dầu năm 2024, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, năm 2024, Tập đoàn được Bộ Công Thương phân giao 1,5 triệu mét khối/tấn, so với sản lượng xuất bán của tập đoàn năm 2023, con số này tăng 12%. Đối với mặt hàng dầu diesel, Bộ Công Thương phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xác định sẽ thực hiện nghiêm túc, bám sát chỉ tiêu được giao cũng như quy định về hạn mức tồn kho tối thiểu. Ngay đầu tháng 1-2024, Tập đoàn đã chủ động tạo nguồn mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, cũng như nhập khẩu, với lượng tăng khoảng 10% so với sản lượng phân giao bình quân. Tập đoàn cũng chủ động bám sát tổng nguồn phân giao, từ đó xây dựng kế hoạch mua hàng để bảo đảm kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn có hiệu quả, đồng thời cũng bảo đảm nguồn cung.

Kho xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam. Ảnh: AN SƠN

Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cũng có kế hoạch chuẩn bị từ sớm việc bảo đảm nguồn cung xăng, dầu. Ông Trần Phú Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, năm 2024, doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội quyết tâm thực hiện kế hoạch được phân giao. Đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ông Lê Xuân Huyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, năm 2023, nguồn cung xăng dầu của Tập đoàn vượt xa kế hoạch đề ra. Năm 2024, ngay từ đầu năm, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thành viên phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu ít nhất ngang bằng với năm 2023. Năm 2023, các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt kỷ lục trong sản xuất với 7,3 triệu tấn xăng dầu.

Điều hành xăng dầu linh hoạt, theo từng tháng

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, chiến tranh thương mại, địa chính trị, khủng hoảng kinh tế, tài chính vẫn diễn ra ở nhiều khu vực trên phạm vi toàn cầu, nguồn cung và giá cả vật tư chiến lược rất khó đoán định. Bên cạnh đó, nhu cầu xăng dầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí tăng đột biến. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có phương án dự phòng để trong mọi tình huống không thiếu nguồn cung xăng dầu, không để đứt gãy, kể cả là cục bộ. “Kịch bản điều hành xăng, dầu của Việt Nam không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý. Kế hoạch này cũng điều chỉnh một cách linh hoạt theo diễn biến thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Xăng dầu là vật tư chiến lược, có tác động rất lớn đến chỉ số CPI và ổn định kinh tế vĩ mô. Để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ KDXD phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; trong đó, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, có kế hoạch triển khai theo tháng, quý. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao sản lượng tối thiểu; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp đầu mối KDXD như kho, bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế hay là quản lý và sử dụng quỹ bình ổn...

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành mặt hàng xăng dầu, nhất là việc chủ động hướng dẫn các thương nhân KDXD thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, KDXD, tiến hành việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ nội dung của nghị định mới về KDXD theo hướng tuân thủ quy luật thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước.

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chu-dong-bao-dam-cung-ung-du-xang-dau-761138