Chủ động bố trí và sử dụng lực lượng linh hoạt tác chiến

Quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được sau 3 tuần, ngày 23-9-1945, các lực lượng vũ trang (LLVT) cùng nhân dân TP Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) đã anh dũng chiến đấu đánh trả quân Pháp, được quân Anh tiếp sức.

Cuộc chiến đấu quyết liệt của quân và dân Sài Gòn thể hiện Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, chủ động bố trí và sử dụng lực lượng linh hoạt tác chiến, mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo thỏa thuận ở Hội nghị Potsdam (8-1945), Anh và Trung Hoa Dân quốc, dưới danh nghĩa đồng minh đưa quân đội vào Việt Nam, phân cách bởi vĩ tuyến 16, làm nhiệm vụ giải giáp tàn binh Nhật. Được sự hậu thuẫn của Anh, Pháp từng bước đưa quân đội vào Nam Bộ, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa. Đến giữa tháng 9-1945, tại Sài Gòn, Pháp có khoảng 1.400 quân và Anh có khoảng 2.500 quân. Quân Anh, Pháp đưa ra nhiều yêu cầu phi lý, trong đó đòi ta phải giải tán quân đội.

Quân và dân Nam Bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, tháng 9-1945. Ảnh tư liệu

Nắm chắc âm mưu và sớm dự đoán thủ đoạn của Pháp sẽ đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ, sau đó mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quân dân Sài Gòn và Nam Bộ chuẩn bị mọi mặt. Trong đó tập trung chỉ đạo di chuyển một số cơ quan và các đơn vị vũ trang tập trung, cùng những người già, phụ nữ, trẻ em từ nội thành ra các vùng ven Sài Gòn. Tại nội thành, ta tổ chức thành một mặt trận, có 320 đội tự vệ chiến đấu (khoảng 6.000 người) bố trí ở 16 khu vực tác chiến trọng điểm và phân công một số đội vũ trang canh gác các công sở.

Để ngăn chặn quân địch từ nội thành đánh ra vùng ngoại thành, ta bố trí các đơn vị vũ trang tập trung và lực lượng tự vệ trấn giữ ở 4 mặt trận (Đông, Bắc, Tây, Nam), hình thành thế trận bao vây, cô lập địch trong thành phố. Tại các tỉnh Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến và cấp ủy Đảng chỉ đạo các đơn vị vũ trang tập trung bố trí ở những địa bàn thuận lợi, sẵn sàng cơ động vào nội thành phối hợp tác chiến cùng quân và dân Sài Gòn.

Trước đội quân xâm lược nhà nghề, hơn hẳn về vũ khí, trang bị và trình độ tác chiến, ta đã chuẩn bị trước một bước về LLVT, tuy trang bị vũ khí còn thô sơ, nhưng được bố trí trên các địa bàn tác chiến chủ yếu ở nội và ngoại thành Sài Gòn. Nhờ chủ động bố trí sẵn lực lượng và thế trận tác chiến đó, LLVT của ta có thể thực hiện linh hoạt trong tác chiến. Ngay từ sáng 23 và ngày 24-9-1945, các LLVT nội thành đã kịp thời chiến đấu ngăn chặn địch ở Cột cờ Thủ Ngữ, dinh Đốc Lý, đường Véc-đoong (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), đường Nô-rô-đôm (nay là đường Lê Duẩn), trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ... Thực hiện chi viện nội thành, đêm 24-9, một số đơn vị vũ trang từ Hậu Giang, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Giuộc, Nhà Bè lần lượt tiến vào phối hợp với các LLVT thành phố đánh nhiều trận ở ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, Tân Định, cầu Kiện, cầu Bông, cầu Thị Nghè, xóm Muối... Sau một tuần kiên cường chiến đấu, ta đã kìm giữ, không cho địch mở rộng chiếm đóng, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Thực hiện chủ trương “trong đánh, ngoài vây”, từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10-1945, với cách đánh tập kích, phục kích linh hoạt, LLVT ở nội thành phối hợp với một số đơn vị vũ trang các tỉnh Nam Bộ bí mật luồn vào, bằng cách đánh tập kích, phục kích linh hoạt ở các khu vực chợ Bến Thành, cầu Lái Thiêu, cầu Thị Nghè, Khánh Hội, Cầu Quay... ta đã tiêu hao sinh lực, làm thất bại âm mưu mở rộng đánh chiếm của địch. Trong khi đó, ở vùng ngoại thành, các LLVT của ta bố trí ở 4 mặt trận (Đông, Bắc, Tây, Nam) đã chiến đấu quyết liệt, ngăn không cho địch mở rộng địa bàn đánh ra vùng ven, đồng thời tổ chức một lực lượng nhỏ bí mật vào nội thành, bất ngờ tập kích các vị trí đóng quân, kho tàng của địch, gây cho chúng một số thiệt hại.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Nam tiến sôi nổi, rộng khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và trong cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài hướng về Sài Gòn và Nam Bộ kháng chiến. Chi đội 3 Giải phóng quân từ miền Bắc chi viện sớm nhất cho Nam Bộ, hành quân vào đến tận cửa ngõ Sài Gòn, cùng LLVT địa phương chiến đấu ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc, lập nhiều chiến công.

Quân và dân Sài Gòn được sự chi viện của quân dân các tỉnh lân cận đã linh hoạt tác chiến “trong đánh, ngoài vây”, “trong ngoài cùng đánh”, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, ghìm chân địch hơn một tháng trong thành phố, tạo khoảng thời gian quý giá cho Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta chuẩn bị kháng chiến khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và cả nước.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chu-dong-bo-tri-va-su-dung-luc-luong-linh-hoat-tac-chien-635658