Chủ động các biện pháp an toàn để 'sống chung với dịch'

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn diễn ra chiều 8/3.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với dịch không chủ quan, lơ là

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, mặc dù Hà Nội đã kiểm soát được dịch nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ dịch xâm nhập do số lượng người từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội đông, các chuyên gia vẫn tiếp tục nhập cảnh. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị lãnh đạo sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục xác định nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, tiếp tục duy trì hoạt động của tổ tuyên truyền, giám sát COVID-19 cộng đồng để khi có bất cứ ca bệnh mới nào là sẵn sàng thực hiện truy vết, dập dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, thành phố đang nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để các hoạt động được trở lại bình thường nhưng "Chúng ta cần phải sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch có thể xảy ra tiếp, đồng thời cần phải duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động các biện pháp an toàn để sống chung với dịch".

Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đồng ý cho phép mở cửa trở lại phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm từ ngày 12/3 với yêu cầu thực hiện nghiêm phòng, chống dịch.

Riêng với tiêm chủng vaccine, Phó Chủ tịch đề nghị các địa phương đề xuất danh sách, đối tượng người tiêm chủng đợt đầu theo quan điểm: công bằng, công khai, đúng đối tượng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị, sở, ban ngành căn cứ tình hình dịch bệnh, tiếp tục chủ động, đề xuất nới lỏng phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế; thường xuyên công tác kiểm tra phòng, chống dịch; thường xuyên rà soát địa bàn, xử lý nghiêm người nhập cảnh trái phép; duy trì trạng thái sẵn sàng triển khai truy vết trong trường hợp có ca nhiễm mới trên địa bàn...

TP Hà Nội yêu cầu chủ động các biện pháp an toàn để "sống chung với dịch"

Triển khai tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 9/3

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đã 21 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế Thủ đô đã chủ động bám sát lộ trình triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19 của Bộ Y tế để triển khai trên địa bàn. Trong đợt này, Hà Nội được phân bổ 8.000 liều vắc xin. Ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tập huấn cho các cán bộ trong ngành triển khai tiêm vắc xin. Dự kiến triển khai tiêm cho các đối tượng là những người có nguy cơ cao tiếp xúc nguồn bệnh như: Người làm việc trong các cơ sở y tế (các cán bộ y tế thường xuyên khám sàng lọc, điều trị, chăm sóc người bệnh, các đơn vị y tế dự phòng...); người tham gia phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc trong các khu cách ly...).

Ngày 9/3, Hà Nội sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Vaccine sẽ được tiêm cho người trên 18 tuổi, 2 mũi, mỗi mũi cách nhau là 12 tuần.

“Vaccine là biện pháp phòng bệnh nhưng không phải biện pháp duy nhất, nên ở thời điểm này, chỉ dựa vào vắc xin là chưa đủ, do đó, người dân không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch”, lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh.

Vì vậy, ngoài tiêm phòng vắc xin, biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả lúc này là cần thực hiện cùng lúc các biện pháp: Chủ động phát hiện, truy vết các ca bệnh; tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch theo "thông điệp 5K"; thực hiện tiêm vắc xin diện rộng…/.

Tin, ảnh: PC

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/chu-dong-cac-bien-phap-an-toan-de-song-chung-voi-dich-575987.html