Chủ động các phương án ứng phó thiên tai bất thường

Từ đầu mùa mưa bão năm 2019 đến nay, trên địa bàn Đông Nam Bộ xảy ra gần 100 trận lũ, lốc xoáy và sự cố thiên tai. Các đơn vị, địa phương LLVT Quân khu 7 đã huy động gần 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn (CHCN), kịp thời phối hợp với các lực lượng cứu sống 32 người dân; sửa chữa, khắc phục hiệu quả hơn 1.300 ngôi nhà, kho, xưởng, góp phần giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.

Các đơn vị còn chủ động hỗ trợ vật chất, gạo, sách vở cho người dân, trẻ em vùng bị thiệt hại do thiên tai...

Mùa mưa bão năm nay, vùng Đông Nam Bộ xảy ra nhiều trận lũ, lốc xoáy, ngập úng cục bộ bất thường. Nhiều địa phương từ xưa đến nay rất hiếm khi có lũ thì nay cũng xảy ra ngập lụt, lũ quét; điển hình như huyện Bù Đăng (Bình Phước), mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nhiều diện tích hoa màu và đời sống sinh hoạt ở một số điểm dân cư. Nắm được thông tin, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước kịp thời chỉ đạo, điều động cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương phối hợp với các lực lượng cứu 16 người dân gặp nạn đưa đến vị trí an toàn; di chuyển, bảo vệ nhiều tài sản của dân không bị nước cuốn trôi. LLVT địa phương còn chủ động phối hợp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân bị nạn.

Tại hai huyện Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai) cũng xảy ra sự cố thiên tai tương tự. Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã huy động gần 500 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 150 lượt phương tiện phối hợp các lực lượng kịp thời di dời gần 700 hộ dân và nhiều tài sản vùng ngập lụt đến nơi an toàn, góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Khi nước rút nhanh, đơn vị huy động lực lượng, phương tiện giúp dân trở về nhà an toàn; tổ chức phòng, ngừa dịch bệnh. Ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết: "Trong mọi tình huống thiên tai, cán bộ, chiến sĩ LLVT là những người có mặt kịp thời, chủ động triển khai các phương án CHCN, giúp bà con di dời con người, tài sản và nhanh chóng khắc phục hậu quả".

Theo Đại tá Lê Mạnh Tuấn, Trưởng phòng CHCN Quân khu 7: Thực tiễn kinh nghiệm những năm qua cho thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết vùng Đông Nam Bộ diễn biến khá bất thường. Vùng ven sông, ven biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi triều cường, ngập lụt, sạt lở đê, bờ biển, bờ sông, ngập cục bộ nhiều nơi... Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập lụt do mưa lớn diễn ra ở địa bàn đô thị ngày càng phức tạp. Với phương châm lấy phòng là chính, từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ tư lệnh Quân khu 7 tổ chức tập huấn chuyên sâu cho hơn 35.700 lượt cán bộ về công tác tổ chức, phối hợp phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN); đồng thời chỉ đạo các đơn vị huấn luyện sát thực tế nhiệm vụ, sát địa bàn.

Bộ đội tại các đơn vị chủ lực được huấn luyện, diễn tập PCTT, TKCN theo chương trình phổ thông, gắn với huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm cơ bản, thiết thực vững chắc. Nội dung đi sâu vào các vấn đề: Hành động người chỉ huy các cấp trong xử trí tình huống; thống nhất tổ chức biên chế, mang vác vật chất, vũ khí trang bị làm nhiệm vụ; cách sắp đặt vật chất, phương tiện trên xe ô tô khi cơ động làm nhiệm vụ; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong PCTT, TKCN…

Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh và bộ CHQS các tỉnh tập trung huấn luyện, bồi dưỡng công tác phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện phương “4 tại chỗ”, kiện toàn ban chỉ huy PCTT, TKCN các cấp; khảo sát, hoàn thiện kế hoạch, phương án, tổ chức tốt lực lượng, phương tiện và luyện tập, diễn tập theo phương án phù hợp khả năng địa phương, sát địa bàn. Các địa phương đều chú ý diễn tập tại địa bàn ven biển, ven sông, rừng núi... Cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương làm tốt công tác dự báo, trao đổi thông tin, đánh giá sát tình hình, đặc biệt là kiểm tra khắc phục những hạn chế, như: Kế hoạch, phương án chưa sát, chủ quan, thiếu công cụ, phương tiện tại cơ sở... Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho mọi người, chủ động phát quang cành cây cao sát nhà ở đô thị, khu dân cư đông; rà soát hệ thống điện chống đổ sập, chập, cháy; gia cố, sửa chữa đê, kè biển, công trình thủy lợi; dự kiến phương án, vị trí di dời dân khi có tình huống; phối hợp tham mưu xử lý các vi phạm an toàn đê, kè biển, như: Khai thác cát, đá; lấn chiếm, sử dụng trái phép các bãi bờ biển, sông làm nơi kinh doanh, sản xuất… Thời gian qua, các đơn vị, địa phương cũng đã đầu tư mua sắm thêm nhiều trang bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ PCTT, TKCN.

Tham quan thực tiễn huấn luyện tại Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7), đơn vị kiêm nhiệm của quân khu về TKCN, chúng tôi chứng kiến, cán bộ, chiến sĩ nắm vững tính năng và sử dụng thuần thục các loại trang bị, phương tiện, kỹ thuật, phối hợp hiệp đồng xử lý tốt các tình huống trong ứng cứu sập đổ công trình. Kết quả huấn luyện của đơn vị, 100% nội dung đạt khá giỏi. Đại tá Phạm Hữu Quỳnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25 cho biết: "Lữ đoàn luôn chú ý rèn luyện bộ đội có bản lĩnh, ý chí vững vàng, sức khỏe tốt, trách nhiệm cao, tinh thần chịu đựng gian khổ; cán bộ có năng lực chỉ huy phối hợp hiệp đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật, sẵn sàng các phương án ứng cứu, TKCN khi có tình huống".

DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/chu-dong-cac-phuong-an-ung-pho-thien-tai-bat-thuong-591433