Chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - mùa cao điểm mua sắm trong năm. Thời điểm này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có phương án dự trữ hàng hóa, chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp trước, trong Tết Nguyên đán.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - mùa cao điểm mua sắm trong năm. Thời điểm này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có phương án dự trữ hàng hóa, chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp trước, trong Tết Nguyên đán.

Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới sẽ còn nhiều biến động do tác động của các vấn đề bất ổn chính trị đang tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực; giá các hàng hóa thiết yếu nhóm năng lượng có xu hướng tăng; giá lương thực ở mức cao; tỷ giá, lãi suất ở mức cao; lưu thông hàng hóa và thương mại gặp trở ngại do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, phân chia khu vực...

Để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tại Hà Nam, Sở Công thương đã đôn đốc, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, trong đó tập trung vào những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan thiếu hàng hóa, mất cân đối cung - cầu trong mùa mua sắm cao điểm Tết.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại cửa hàng Winmart+, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân

Theo ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công thương xây dựng kế hoạch khảo sát, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, thực hiện chương trình kết nối cung - cầu; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất những mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc phát triển điểm bán hàng Việt tại các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, ngay từ đầu quý IV/2023, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai phương án kết nối với các nguồn cung, đàm phán với nhà cung cấp để bảo đảm về mặt số lượng, giá cả, sẵn sàng tăng sản lượng trong những tình huống khẩn cấp dịp cận Tết khi sức mua tăng cao. Đơn cử như hệ thống cửa hàng Winmart+, cơ cấu các mặt hàng hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt so với những tháng trước. Tại các kệ hàng trong cửa hàng, Winmart+ đã tăng cường bày bán các sản phẩm phục vụ tiêu dùng dịp Tết như bún, phở khô; miến; bánh đa nem; dầu ăn; các loại gia vị; giấy ăn; bánh kẹo; bia; nước giải khát; các loại hạt khô… Để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng sử dụng trải nghiệm sản phẩm có nhu cầu cao dịp Tết, hệ thống cửa hàng Winmart+ đã và đang áp dụng hình thức khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá trực tiếp từ 20-50%, hay “mua 1 tặng 1”…

Ông Cao Minh Dương, Quản lý hệ thống siêu thị Winmart+ tại Hà Nam cho biết: Để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, từ tháng 10, các cửa hàng của Winmart+ đã triển khai nhập hàng theo kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 với số lượng hàng hóa tăng 10-20% so với dịp Tết 2023 và tăng khoảng 50% so với ngày thường. Trong đó, Winmart+ chủ động phương án nhập hàng, bảo đảm không để xảy ra khan hiếm hay thiếu hàng đối với những sản phẩm tham gia bình ổn thị trường Tết như gạo, thực phẩm tươi sống, nước đóng chai các loại. Ngoài ra, dịp Tết năm nay, Winmart+ tăng cường bổ sung nhóm mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng dịp Tết như măng khô, miến, bún phở khô… Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống cửa hàng của Winmart+ ưu tiên bày bán các dòng sản phẩm thương hiệu Việt, sản phẩm OCOP của tỉnh và các địa phương trên cả nước.

Không chỉ các doanh nghiệp, đại lý lớn mà thời điểm này, các cửa hàng, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở các chợ truyền thống hay các hộ kinh doanh thời vụ Tết cũng đang tích cực nhập hàng, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú, giá cả ổn định, cạnh tranh trong dịp mua sắm cuối năm 2023, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Các đơn vị, hộ kinh doanh đặc biệt làm tốt việc kết nối, khai thác nguồn hàng hóa nông sản, các mặt hàng đặc sản, truyền thống của các tỉnh, thành trên cả nước để phục vụ nhu cầu thị trường; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, trợ giá hấp hẫn để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hiếm hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Chị Trịnh Thị Thảo, tổ 4, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý cho hay: Dù làm công việc hành chính rất bận rộn nhưng năm nào tôi cũng tranh thủ mùa mua sắm cao điểm dịp Tết Nguyên đán để tham gia bán hàng, kiếm thêm thu nhập. Năm nay, từ đầu tháng 10, tôi đã thuê mặt bằng để làm kho chứa hàng và liên hệ với các đơn vị cung ứng để nhập bán các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lớn; trong đó, tôi tập trung bán những nông sản đặc sản vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, sản phẩm OCOP của các địa phương cũng như những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết Nguyên đán như miến, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, yến sào, rượu, nho khô, thịt khô các loại...

Được biết, cùng với việc đẩy mạnh theo dõi tình hình giá cả, cung – cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng đa dạng các mặt hàng hóa dịp Tết, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công thương Hà Nam cũng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần bảo đảm để người dân được vui Xuân, đón Tết đầy đủ, an vui.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/chu-dong-chuan-bi-nguon-hang-phuc-vu-tet-nguyen-dan-giap-thin-2024-108529.html