Chủ động đấu tranh với tội phạm kinh tế

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, tình hình vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực thực hiện các dự án đầu tư, an sinh xã hội có nguồn gốc vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; hoạt động tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, thuế, bảo hiểm xã hội; bồi thường giải phóng mặt bằng...

Lực lượng công an đọc quyết định bắt đối tượng Lê Bá Nga ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ khống để thu lời bất chính.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm và tội phạm kinh tế, lực lượng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh đã tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng diễn biến, tình hình của tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại; đề ra các chủ trương, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như triển khai, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch đô thị; xây dựng nông thôn mới; xây dựng các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống nông nghiệp, thủy lợi; quản lý, sử dụng đất đai; tài chính, tín dụng ngân hàng; chính sách xã hội; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, trốn thuế, gian lận thương mại... Đồng thời, chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành: công an, công thương, quản lý thị trường trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan công an và bảo hiểm xã hội trong phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã tiếp nhận, xác minh và xử lý kịp thời đơn thư tố giác, tin báo tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lập phương án đấu tranh, không để hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm kinh tế phức tạp.

Do làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố gần 50 vụ, trên 90 bị can phạm tội về kinh tế tham nhũng, chức vụ; bắt xử lý trên 500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại... Điển hình, ngày 26-11-2022 Công an thị xã Nghi Sơn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Phạm Thị Nhung, sinh năm 1984, ở phường Tân Sơn (Thanh Hóa) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Ngày 30-11-2022, Công an huyện Như Xuân ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trịnh Thị Đào, sinh năm 1963 ở khu phố 3, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra, Công an huyện Như Xuân phát hiện Trịnh Thị Đào đã lừa đảo rất nhiều người ở các huyện: Như Xuân, Hoằng Hóa, Như Thanh, Thạch Thành với tổng số tiền hàng tỷ đồng với chiêu trò “chạy việc” vào ngành công an và các cơ quan Nhà nước...

Thời gian tới, lực lượng cảnh sát kinh tế sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, từ đó kịp thời phát hiện, chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh với các hành vi làm trái pháp luật về kinh tế theo từng lĩnh vực. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các cơ sở kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Trong đó, tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để quần chúng Nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác và hỗ trợ các lực lượng chức năng xử lý.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/chu-dong-dau-tranh-voi-toi-pham-kinh-te/181134.htm