Chủ động điều tra phát hiện loài sâu mới rất nguy hiểm trên thế giới

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh vừa đưa ra cảnh báo đến các địa phương trong tỉnh về loài sâu hại mới có tên khoa học là Spodoptera frugiperda có tốc độ lây lan nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế trên đồng ruộng; trường hợp phát hiện sâu có hình thái và các đặc điểm nghi ngờ phải báo cáo để phối hợp xử lý

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế trên đồng ruộng; trường hợp phát hiện sâu có hình thái và các đặc điểm nghi ngờ phải báo cáo để phối hợp xử lý

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, theo thông báo của Cục Bảo vệ thực vật, thế giới đã phát hiện một loài sâu hại mới có tên Tiếng Anh là fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ.

Loài sâu phát hiện lần đầu tại Châu Á là ở Ấn Độ vào tháng 7 năm 2018, lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm. Hiện nay, loài sâu hại này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thailand và Trung Quốc.

Đây là loài sâu hại mới chưa phát hiện tại Việt Nam, được cảnh báo có khả năng phát tán vào Việt Nam và gây hại nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời.

Sau khi xem xét về phân loại, tập tính gây hại, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị tên Tiếng Việt của loài sâu này là “Sâu keo mùa thu”.

Để chủ động phát hiện, phòng ngừa sự xâm nhiễm và gây hại của loài sâu hại này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm ƯDKHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi tiến hành phổ biến, cung cấp các thông tin, tài liệu về sâu keo mùa thu đến tận đội ngũ cán bộ kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật các địa phương.

Kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ các bẫy đèn, bẫy bả chua ngọt để thu thập mẫu; trường hợp phát hiện sâu có hình thái và các đặc điểm nghi ngờ phải báo cáo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật để phối hợp xử lý, đồng thời tiến hành lấy mẫu gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV để giám định.

Một số hình ảnh về sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda:

Sự trưởng thành sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda

Sâu non sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda

Triệu chứng gây hại trên cây ngô của sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda

Đặc điểm hình thái

Sâu trưởng thành có chiều dài cơ thể 1,6 – 1,7 cm và sải cánh là 3,7 - 3,8 cm, con cái dài hơn. Trứng được đẻ thành bọc, mỗi bọc 150-200 trứng, quả trứng có hình cầu, đường kính 0,75mm. Ấu trùng có mầu xanh nhạt đến nâu sẫm, ở giai đoạn tuổi 6, ấu trùng dài 3-4 cm. Nhộng có chiều dài 1,3-1,7 cm (tùy theo con đực và con cái) và có mầu nâu sáng bóng.

Ký chủ

Sâu keo mùa Thu Spodoptera frugiperda là loài sâu hại đa thực, chúng có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: ngô, lúa, kê và cây mía. Ngoài ra cũng đã được phát hiện gây hại trên các loại rau, cây bông

Phân bố

Loài sâu keo mùa Thu đã được phát hiện gây hại tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ (bắc Mỹ, trung Mỹ và nam Mỹ) và một số quốc gia tại châu Âu. Trong đó tại châu Á loài sâu hại này đã xuất hiện và gây hại tại Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Yemen và Trung Quốc.

H.X

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/chu-dong-dieu-tra-phat-hien-loai-sau-moi-rat-nguy-hiem-tren-the-gioi/170011.htm