Chủ động đổi mới trước 'sóng lớn'

Khi thị trường trong nước ngày càng 'mở cửa' cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển cũng như những thử thách khi phải cạnh tranh ngay trên 'sân nhà'.

Sản xuất, chế biến nông sản là ngành được dự báo sẽ chịu nhiều tác động trong xu thế FTA. Trong ảnh: Công nhân đang sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở huyện Định Quán. Ảnh: H.Quân

Sản xuất, chế biến nông sản là ngành được dự báo sẽ chịu nhiều tác động trong xu thế FTA. Trong ảnh: Công nhân đang sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở huyện Định Quán. Ảnh: H.Quân

* Cần rạch ròi xuất xứ hàng hóa

Trong bối cảnh lộ trình giảm thuế của nhiều FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới chuẩn bị có hiệu lực, để hàng hóa Việt Nam tận dụng những lợi thế để phát triển thị phần, các doanh nghiệp trong nước cần có kế hoạch xác lập hệ thống phòng ngừa rủi ro cần có tầm nhìn toàn diện hơn trong tình hình thế giới đang thay đổi.

Theo nhiều chuyên gia, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là chuẩn bị ngay để tận dụng các lợi thế càng sớm càng tốt bởi EVFTA có thời gian cắt giảm thuế lộ trình ngắn. Cùng với đó, doanh nghiệp cần quan tâm chi tiết hơn, sát hơn với thực tiễn như quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật... Hiện nay đa số doanh nghiệp mới chỉ lưu ý đến ưu đãi thuế mà chưa quan tâm tới quá trình làm thủ tục để đến được với người tiêu dùng châu Âu.

Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo, để được hưởng ưu đãi về thuế quan thì doanh nghiệp xuất khẩu phải cung cấp được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho nhà nhập khẩu để truy xuất nguồn gốc, các FTA cũng ngày càng có nhiều hàng rào phi thuế quan (còn gọi hàng rào kỹ thuật). Đơn cử, đối với lĩnh vực nông nghiệp, hàng rào phi thuế quan chính là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, nông sản xuất khẩu vào những thị trường này phải đáp ứng được các quy định.

* “Biết người biết ta” để hội nhập

Việc hội nhập quốc tế, tham gia các FTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện vươn ra “biển lớn”, có nhiều điều kiện phát triển, mở rộng thị phần. Doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong cách nắm bắt các thông tin về hội nhập, tiếp cận thị trường, không để bị động trước hàng loạt làn sóng lớn đầu tư vào thị trường nội địa.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh nhận định, hiện nay phần lớn doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp, phần lớn tham gia vào các phân khúc sản xuất tạo ra giá trị thấp, tỷ lệ gia công sản phẩm còn cao...

Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động liên kết, tìm hiểu và nắm bắt kỹ kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, kiến thức về các FTA, từ đó hoạch định chiến lược kinh doanh, cơ cấu sản xuất phù hợp để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương chia sẻ thêm, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin về các FTA, tiếp cận thị trường tiềm năng để định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường khó tính…

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin về lộ trình các FTA, diễn biến thị trường trong và ngoài nước trên Cổng thông tin điện tử của Sở, cũng như tổ chức tập huấn bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức về hội nhập cho các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong tỉnh có thêm điều kiện nắm bắt thông tin, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh…

Theo ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh), trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, đề xuất các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa địa phương; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao thương, hoạt động tuyên truyền về hội nhập kinh tế với các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Hoàng Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201911/chu-dong-doi-moi-truoc-song-lon-2973378/