Chủ động đối phó hạn, mặn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ ngày 30-4 đến 3-5, các tỉnh miền bắc và miền trung bước vào một đợt nắng nóng diện rộng, cường độ gay gắt có thể kéo dài nhiều ngày.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân huyện Phong Điền gặt lúa bị đổ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân huyện Phong Điền gặt lúa bị đổ.

Trong đợt nắng nóng này, dự báo nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội có thể đạt 37oC đến 38oC, ở một số nơi thuộc vùng núi các tỉnh Trung Bộ nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt hơn 40oC. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô 2019-2020, mặc dù đã có sự chủ động ứng phó ngay từ đầu, nhưng nhiều địa phương vẫn bị thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Trong đó, năm tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang công bố tình trạng khẩn cấp do ảnh hưởng của hạn mặn. Các tỉnh ven biển có diện tích lúa chết do thiếu nước, nước nhiễm mặn như Trà Vinh hơn 20.600 ha, Bến Tre 5.000 ha, Cà Mau hơn 18.000 ha.

* Trong những ngày cuối tháng 4, tại Quảng Bình, mưa lớn kèm gió mạnh đã làm hơn 3.400 ha lúa bị đổ; trong đó, có hơn 3.000 ha giảm năng suất đến 50%. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân: đối với những diện tích lúa bị đổ có tỷ lệ hạt chín trên bông lớn hơn 85%, nông dân cần thu hoạch sớm; đối với diện tích lúa giai đoạn trổ chắc xanh cần tháo cạn nước trong ruộng.

* Ðể hỗ trợ người dân nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa chín bị đổ do mưa lớn kéo dài, ngày 29-4, hơn 120 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế đã về huyện Phong Ðiền hợp sức với người dân gặt lúa. Tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn kết hợp triều cường làm 10.768 ha lúa và 97,3 ha hoa màu bị ngập, trong đó hơn 7.873 ha lúa bị đổ.

* UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý sạt lở tại khu vực xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Trước đó, sóng lớn kết hợp triều cường gây sạt lở bờ biển tại thôn Tiến Ðức, xã Tiến Thành, với chiều dài khoảng 1.300 m (trong đó, đoạn sạt lở nghiêm trọng có chiều dài gần 250 m, sâu vào đất liền 20 đến 25 m).

* Tại tỉnh Kiên Giang, ngày 26-4 vừa qua xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét làm chết một người ở huyện Tân Hiệp. Chính quyền địa phương đến gia đình thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

* Nhằm chung tay hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do hạn, mặn, Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho nhân dân tại huyện Gò Công Ðông và thị xã Gò Công. Trong đợt này, Chi đoàn vận động trao tặng người dân hơn 90 nghìn lít nước ngọt.

* Vừa qua, Ðoàn công tác Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang đến huyện Châu Phú thăm, động viên tinh thần các hộ dân có nhà bị sập, tốc mái do dông, lốc. Ðoàn trao tặng hai hộ có nhà bị sập hoàn toàn mỗi hộ năm triệu đồng, 12 hộ nhà bị tốc mái hoàn toàn được hỗ trợ mỗi hộ ba triệu đồng.

* Hiện nay, nguồn nước tại hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri (Bến Tre) đã cạn kiệt. Toàn huyện có hơn 11 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, các nhà máy cấp nước trên địa bàn đều bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt với giá cao để sử dụng. Hơn 4.300 ha lúa gieo sạ ngoài khuyến cáo bị thiệt hại do hạn, mặn. Ðàn bò hơn 100 nghìn con cũng trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ước tính thiệt hại do hạn, mặn trên địa bàn huyện lên tới 150 tỷ đồng.

* UBND tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình, dự án phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây đoạn qua huyện Trần Văn Thời sụt lún nghiêm trọng hồi đầu tháng 2-2020. Theo đó, yêu cầu ngành nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình đối với dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây (bơm bùn, bơm cát, kè rọ đá, kè khẩn cấp,...) nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối tuyến đê biển trước mùa mưa bão năm 2020.

* UBND huyện Ðà Bắc (Hòa Bình) vừa công bố dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện trên địa bàn xóm Ngù, xã Hiền Lương. Hiện các đơn vị chuyên môn tại địa phương khẩn trương hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

* UBND thành phố Hà Nội lên kế hoạch thực hiện nhiều giải pháp phát triển đàn lợn. Theo đó, phấn đấu tổng đàn lợn năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu con. Thành phố tăng cường giám sát các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để hạ giá lợn hơi xuất chuồng theo lộ trình cam kết xuống khoảng 70 nghìn đồng/kg trong tháng 4, đến cuối quý II và quý III-2020 xuống còn 65 đến 60 nghìn đồng/kg.

* Do dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, phần lớn các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam muốn tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu lợn giống, giá con giống quá cao khiến nhiều hộ không thể tái đàn. Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh còn khoảng 325 nghìn con, trong đó có gần 30 nghìn lợn nái.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ 119 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm công bố hết dịch.

* Tỉnh An Giang cho biết, sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi đã hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Theo dự kiến, tổng đàn lợn tái đàn đến cuối năm 2020 đạt khoảng 18.748 con, đã có 379 hộ dân và ba doanh nghiệp đăng ký tái đàn với số lượng khoảng 10.250 con. Ước tính tổng đàn lợn hiện có trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 55 nghìn con, bằng 63% so cùng kỳ.

320 tấn gạo hỗ trợ người nghèo tại Ðắk Nông

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ðắk Nông phối hợp Cục Dự trữ nhà nước nam Tây Nguyên và UBND tám huyện, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành việc cấp phát 320 tấn gạo cứu đói cho người dân trong mùa giáp hạt năm 2020.

Toàn tỉnh có gần 5.000 hộ dân, với gần 18 nghìn nhân khẩu được cấp gạo đợt này.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44306102-chu-dong-doi-pho-han-man.html