Chủ động giành quyền thu thuế để bảo vệ lợi ích quốc gia

'Vì lợi ích quốc gia, trước mắt Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền thu phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Về lâu dài, chúng ta cần phải nghiên cứu sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, để đảm bảo tính ổn định chính sách'. Đó là chia sẻ của ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Nhóm giúp việc cho Bộ Tài chính nghiên cứu về giải pháp ứng phó của Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu.

Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI hiện nay có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: TL

PV: Quy chế thuế tối thiểu toàn cầu được cho là vấn đề mới, quan trọng và có nhiều yếu tố kỹ thuật. Ông có thể chia sẻ đôi nét về nội hàm khái niệm mà Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra để áp dụng?

Ông Đặng Ngọc Minh

Ông Đặng Ngọc Minh: Nội hàm của thuế tối thiểu toàn cầu gồm: quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR). Là quy định đánh thuế từ trên xuống, theo đó cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ tối cao được quyền đánh thuế bổ sung công ty mẹ tối cao đối với thu nhập của công ty thành viên ở các nước mà chịu thuế thực tế thấp hơn mức thuế tối thiểu 15%. Trường hợp công ty mẹ tối cao cư trú tại quốc gia chưa áp dụng IIR, thì công ty nắm giữ vốn thứ cấp kế tiếp trong chuỗi cơ cấu sở hữu của tập đoàn sẽ kê khai và nộp phần thuế bổ sung tại nước đóng công ty thứ cấp tính cho các công ty thành viên đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu.

Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR): Quy định này bổ trợ cho quy định IIR nêu trên, áp dụng trong trường hợp công ty thành viên đang chịu thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu, nhưng chưa bị đánh thuế bổ sung theo quy định IIR tại một nước nào khác, thì các quốc gia có công ty thành viên thuộc tập đoàn sẽ có quyền thu thuế bổ sung đối với công ty thành viên ở quốc gia đó. Trong trường hợp có nhiều quốc gia nơi hoạt động của các công ty thành viên của tập đoàn hoạt động đa quốc gia áp dụng quy định UTPR, mỗi quốc gia sẽ được phân bổ một phần của số thuế bổ sung dựa trên số lượng nhân viên và giá trị sổ sách ròng của tài sản hữu hình ở mỗi quốc gia.

Cần sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp

Việc thực hiện giải pháp ban hành nghị quyết của Quốc hội sẽ có hạn chế, bởi đây không phải là giải pháp mang tính pháp lý lâu dài. Về lâu dài, chúng ta cần phải nghiên cứu sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp thay thế cho nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo tính ổn định chính sách.

Quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR): Quy định này cho phép quốc gia nguồn, nơi phát sinh thu nhập được quyền đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu 9% đối với một số khoản thanh toán như lãi tiền vay, tiền bản quyền, phí dịch vụ kỹ thuật cho bên liên kết chịu thuế ở dưới mức thuế suất tối thiểu 9%. Số thuế phải nộp theo quy định STTR, sẽ được coi là một loại thuế thuộc phạm vi áp dụng theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Để thực hiện quy định STTR thì các nước phải tham gia ký Hiệp định đa phương về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI).

Quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT): QDMTT là quy định quan trọng đối với các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Theo quy định mẫu của OECD, các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thực tế thấp hơn 15%, được quyền ban hành quy định pháp luật để giành quyền thu thuế bổ sung theo quy định QDMTT trước các quốc gia khác. Việc ban hành các quy định này phải bảo đảm “đạt tiêu chuẩn”, theo hướng dẫn của OECD.

QDMTT dành cho nước nhận đầu tư, là một loại thuế tối thiểu được quy định tại nội luật của một nước. Theo đó: xác định các khoản thu nhập chịu thuế tối thiểu của các công ty thành viên tại một nước theo cách tính tương đương với quy định thuế tối thiểu toàn cầu.

Quy định nhằm tăng nghĩa vụ thuế nội địa đối với thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa lên mức tối thiểu tính cho các công ty thành viên tại nước đó trong năm tài chính; và được thực hiện, quản lý sao cho tương ứng với kết quả được quy định theo các quy định thuế tối thiểu toàn cầu và tài liệu diễn giải của OECD.

Đối chiếu với quy định IIR và UTPR nêu trên, khi áp dụng QDMTT sẽ được trừ khi tính thuế bổ sung tại công ty mẹ tối cao áp dụng IIR hoặc UTPR theo công thức thuế tối thiểu toàn cầu...

PV: Với loạt các quy định được đưa ra, xin ông cho biết, có thứ tự nào được ưu tiên trong thực hiện các quy định thuế tối thiểu toàn cầu không, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Minh: Quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR) sẽ được ưu tiên áp dụng trước quy định GloBE (Quy định IIR và UTPR), trong đó số thuế đã nộp theo quy định STTR sẽ được tính vào số thuế của quy định GloBE. Trong quy định GloBE, thì quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) sẽ được ưu tiên áp dụng trước cho công ty mẹ tối cao tại quốc gia nơi công ty mẹ tối cao đặt trụ sở chính. Trường hợp quốc gia của công ty mẹ tối cao không thực hiện quy định IIR, thì quốc gia của công ty nắm giữ vốn thứ cấp kế tiếp trong chuỗi cơ cấu sở hữu của tập đoàn sẽ được thực hiện quy định IIR đối với công ty này.

Trong trường hợp các quốc gia có công ty mẹ tối cao hoặc công ty nắm giữ vốn thứ cấp không áp dụng quy định IIR, thì quy định UTPR sẽ được áp dụng cho công ty thành viên. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp nước đầu tư luôn có quyền áp dụng trước quy định QDMTT.

PV: Trước những vấn đề mới và khó, Việt Nam đã đưa ra giải pháp gì để ứng phó, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Minh: Như chúng ta đã biết, để ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là tổ phó thường trực.

Đồng thời, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thành lập một nhóm giúp việc cho tổ này. Theo đó, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhóm giúp việc đã tập trung nghiên cứu và đề xuất, Việt Nam cần áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để giành quyền đánh thuế.

Đồng thời, nhóm giúp việc đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội dự kiến ban hành nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm áp dụng thuế TNDN, theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng trên toàn thế giới từ năm 2024, việc ban hành nghị quyết là một giải pháp kịp thời để áp dụng ngay từ 1/1/2024.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác động thuế tối thiểu toàn cầu đến nguồn thu ngân sách

Trong 3 năm 2020 – 2022, số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 7,5% - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực FDI chiếm khoảng 39% - 41% trong tổng số thu thuế TNDN. Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế TNDN không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn,

Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN. Trường hợp Việt Nam không thu thuế TNDN bổ sung, thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-dong-gianh-quyen-thu-thue-de-bao-ve-loi-ich-quoc-gia-129763.html