Chủ động, linh hoạt bước vào năm học mới

Tiếng trống khai giảng báo hiệu năm học mới 2021 - 2022 đã bắt đầu trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp cùng những tác động, ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 đang đòi hỏi ngành giáo dục và toàn xã hội không ngừng nỗ lực, nhanh chóng thực hiện các giải pháp thích ứng, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để chuyển trạng thái dạy, học linh hoạt, hướng đến một năm học đổi mới và kiên trì các mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

Cô và trò lớp 1A11, Trường tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội) nhận lớp, làm quen với nhau qua ứng dụng Zoom. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến ngành giáo dục, mỗi nơi một mức độ khác nhau, nên nhiều địa phương chưa thể bắt đầu năm học mới một cách trọn vẹn.

Năm học đặc biệt

Những năm học trước, ngày 5/9, Lê Thanh Thủy, học sinh Trường tiểu học Tầm Vu, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) tay cầm hoa, cờ Tổ quốc, tung tăng theo bố, mẹ đưa đến trường dự khai giảng, đón năm học mới. Năm học 2021 - 2022 này, khi lên lớp 4, Thủy cũng như học sinh toàn thành phố không được dự khai giảng mà chỉ ở nhà sắp xếp lại sách vở, chờ ngày học tập. Mẹ của Thủy cho biết đã đặt mua sách giáo khoa nhưng nhà trường vẫn chưa thể giao sách cho con. Thủy cũng mới gặp cô giáo chủ nhiệm lớp 4 một lần, qua internet. Dự kiến ngày 20/9 này, cô trò mới chính thức bước vào năm học mới.

Tác động của dịch Covid-19 khiến TP Hồ Chí Minh không thể bước vào năm học mới như bình thường. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết, năm học 2021 - 2022, trẻ mầm non bắt đầu năm học chậm hơn, học sinh trung học học từ ngày 1/9; học sinh tiểu học học từ ngày 8/9 trên internet. Trong đó, giáo dục tiểu học dành 10 ngày đầu để tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng và phương pháp học trên internet cho cả học sinh và phụ huynh. “Bắt đầu năm học mới trong tình hình hết sức đặc biệt nên thành phố đã xây dựng các phương án nhằm hạn chế thấp nhất khó khăn. Các trường sẽ xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp thực tế” - ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Tại Hà Nội, mặc dù bước vào năm học mới theo đúng khung kế hoạch thời gian nhưng 2,1 triệu học sinh của thành phố chỉ dự lễ khai giảng chung, phát trực tiếp trên truyền hình. Là địa phương có tới 76,9% số trường chuẩn quốc gia và trang thiết bị dạy học được đầu tư bài bản (riêng lớp 1, 2 và lớp 6, năm 2021 được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) nhưng tác động của dịch Covid-19 khiến giáo dục Thủ đô gặp không ít khó khăn. Ông Lê Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) cho biết, giáo dục tiểu học và THCS trên địa bàn xã có bốn trường, nhưng có một trường tiểu học và một trường THCS được huy động làm điểm cách ly. Vì vậy, xã phải xây dựng phương án đưa thầy, trò hai trường làm điểm cách ly vào học chung với hai trường còn lại. Trong khi đó, Trường mầm non Võng Xuyên A được đầu tư 44 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10 nghìn m2, khang trang, đủ theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia để đưa vào sử dụng cho năm học mới 2021 - 2022 nhưng chưa thể nghiệm thu, bàn giao do ảnh hưởng dịch bệnh.

Lê Thanh Thủy, học sinh Trường tiểu học Tầm Vu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) chuẩn bị bước vào học trực tuyến đầu năm học 2021 - 2022.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Giáo dục phổ thông dạy học trực tuyến, trên truyền hình, khi thực hiện giãn cách nên chất lượng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những khó khăn cố hữu như: Sắp xếp lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp; tình trạng thiếu trường, lớp vẫn diễn ra. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, riêng giáo dục tiểu học hiện có nhu cầu bổ sung khoảng 16.400 phòng học để đủ một lớp/phòng; bổ sung khoảng 100.000 phòng học bộ môn; kiên cố hóa khoảng 90.000 phòng học; khoảng 176.456 bộ thiết bị dạy học tối thiểu... Chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều, số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục năm 2019) còn thấp, trong đó, giáo dục mầm non mới đạt chuẩn 77,8%, tiểu học 69,4%, THCS 83,3%. Tình trạng thừa thiếu giáo viên vẫn diễn ra, cả nước thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên tùy theo môn, cấp học và theo địa phương.

Kiên trì mục tiêu chất lượng

Trước những khó khăn đặt ra, các cấp, các ngành, địa phương, ngành giáo dục và mỗi nhà trường có những giải pháp thích ứng, chuyển trạng thái hoạt động một cách linh hoạt để phù hợp diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó lường và kéo dài. Cô giáo Kiều Thị Thanh Tuyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võng Xuyên B (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, toàn bộ 876 học sinh sẽ học trực tuyến từ ngày 6/9 trên phần mềm Zoom meeting. Để dạy, học hiệu quả, trường đã xây dựng đội ngũ giáo viên sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm dạy học. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu, TV thông minh, đồ dùng giảng dạy và giáo viên tốt nhất cho lớp 1 và lớp 2 là những khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung chương trình, thời gian học cụ thể, được thông báo cho phụ huynh, học sinh tạo sự chủ động khi các em tham gia học trực tuyến. Trong khi đó, Trường mầm non Võng Xuyên A (Phúc Thọ) chủ động tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Xây dựng các video, hình ảnh về các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ phù hợp từng độ tuổi trẻ mầm non gửi phụ huynh cùng phối hợp giáo viên chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Cùng với nỗ lực của mỗi thầy cô giáo, mỗi trường học còn là sự vào cuộc chăm lo của các cấp chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Ninh là một thí dụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, bước vào năm học mới 2021 - 2022, toàn tỉnh có 1.432 phòng học thông minh và tất cả các cơ sở giáo dục đều triển khai các phần mềm quản lý trường học trực tuyến. “Ngay trước khi bước vào năm học mới, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã họp quyết nghị miễn giảm toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT với số tiền 138 tỷ đồng/năm. Việc miễn giảm này thể hiện sự quan tâm của tỉnh và giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, công nhân” - bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, địa phương xây dựng đề án trọng tâm và 20 chính sách riêng cho phát triển giáo dục. Lào Cai triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp học, sáp nhập được 145 trường, giảm 76 trường; sáp nhập 232 điểm trường lẻ mầm non, tiểu học; xóa 92 điểm trường; đưa gần 20 nghìn học sinh điểm trường lẻ về điểm trường chính. Tỉnh đã tiết kiệm 1.200 lớp học và 1.800 giáo viên; phòng học kiên cố hóa được 75% và đã xóa xong phòng học tạm, tạo điều kiện tốt nhất cho năm học 2021 - 2022.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học mới 2021 - 2022, ngành giáo dục chuyển đổi trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức các hoạt động dạy học. Toàn ngành quan tâm tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử, tạo môi trường tương tác và tăng khả năng tự học cho học sinh, sinh viên. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục tập trung triển khai các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến giáo dục. Ưu tiên việc dạy và học linh hoạt thích nghi với tình hình khác nhau ở các vùng miền, địa phương. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và hỗ trợ phương pháp, học liệu, chương trình, nội dung cho học sinh, giáo viên và tư vấn hỗ trợ cha mẹ học sinh, nhất là với học sinh lớp 1, lớp 2. Ngành giáo dục phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai hỗ trợ cho giáo viên, học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn; triển khai tiêm vắc-xin cho giáo viên và học sinh, bảo đảm cho trường học mở cửa trở lại sớm nhất có thể. Bảo đảm năm học 2021 - 2022 vừa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19 vừa tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

XUÂN KỲ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giaoduc/chu-dong-linh-hoat-buoc-vao-nam-hoc-moi-663257/