Chủ động, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ANTT

Bên lề Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 24 đến 26-12-2019, lãnh đạo Công an một số địa phương đã trao đổi với PV về một số phương hướng nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ANTT năm 2020...

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc CATP Hồ Chí Minh: Đấu tranh với các đối tượng lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, phá hoại tư tưởng

Để đấu tranh với các đối tượng lợi dụng không gian mạng nhằm xuyên tạc, tuyên truyền phá hoạt tư tưởng, Công an TP Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Thành ủy, UBND TP tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh mạng; nâng cao hiệu quả hiệu quả phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, chủ động các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, nghiên cứu từ sớm, từ xa các yếu tố tác động, ảnh hướng đến ANQG trên địa bàn thành phố.

Trung ướng Lê Đông Phong, Giám đốc CATP Hồ Chí Minh.

Trung ướng Lê Đông Phong, Giám đốc CATP Hồ Chí Minh.

Trung tướng Lê Đông Phong nhấn mạnh, từ kết quả triển khai quyết liệt, đến nay nhiều đơn vị, địa phương đã bước đầu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa công tác đấu tranh với hoạt động xâm phạm ANQG trên không gian mạng và ngoài thực địa được đồng bộ, đi vào chiều sâu, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại ngay từ đầu, từ vụ việc nhỏ nhất, không để chúng liên kết tạo thành “điểm nóng” phức tạp.

Bên cạnh công tác nắm tình hình, đấu tranh với các hoạt động chống phá của các cá nhân, tổ chức phản động trên không gian mạng, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động triển khai tốt các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phản tuyên truyền trên không gian mạng, đã viết, chia sẻ hàng nghìn bài viết để tuyên truyền, vạch mặt bản chất phản động, âm mưu kích động, gây rối, biểu tình, khủng bố, phản bác cac luận điệu xuyên tạc của số đối tượng phản động, chống đối chính trị, tác động, gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ giữa số cầm đầu trong các tổ chức, hội, nhóm chống đối trên không gian mạng.

Đấu tranh hiệu quả với các đối tượng phản động trên không gian mạng, cần nghiên cứu, vận dụng hiệu quả các văn bản Luật, nhất là Bộ Luật hình sự, Luật An ninh mạng và các quy định pháp luật hiện hành khác vào công tác đấu tranh, xử lý hoạt động xâm phạm ANQG trên không gian mạng; củng cố chứng cứ, kiên quyết xử lý hình sự số đối tượng hoạt động mạnh động, cực đoan để răn đe các đối tượng khác; phải có biện pháp quản lý số đối tượng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự, không để tiếp tục vi phạm, vận dụng xử lý hành chính để răn đe và làm căn cứ để xử lý hình sự khi đối tượng tái phạm.

Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp huy động cả hệ thống chính trị có biện pháp tuyên truyền vận động phù hợp, nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người dân, không hưởng ứng, tham gia hoạt động gây rối, biểu tình, phá hoại theo luận điệu kích động của đối tượng xấu.

Bên cạnh đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác phối hợp xử lý các tình huống do các đối tượng, tổ chức phản động không gian mạng kích động, tổ chức hoạt động phức tạp trên địa bàn với phương châm chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời ngay từ khi phát sinh, ngay tại cơ sở.

Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang: Tập trung đấu tranh với tội phạm buôn lậu trên tuyến biên giới

Chia sẻ bên lề Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75 về công tác đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biên giới Campuchia, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, An Giang là địa bàn khá phức tạp về buôn lậu ở biên giới Tây Nam, có đường biên giới dài gần 100km trải đài trên địa bàn của 5 huyện, thị, thành phố là Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal, Vương Quốc Campuchia với 3 cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch chằng chịt. Với yếu tố địa lý nêu trên là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho đối tượng buôn lậu và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tuyến biên giới nói chung, cho công tác buôn lậu nói riêng.

Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang.

Qua nắm tình hình, Công an An Giang xác định phía đối diện sát biên gới của địa bàn tỉnh An Giang đang tồn tại 26 kho là nững điểm tập kết hàng hóa để nhập lậu đi vào các tỉnh trong nội địa.

Các đối tượng buôn lậu trên tuyến biên giới hoạt động tinh vi, liều lĩnh, manh động và tổ chức rất chặt chẽ, có sự phân công vai trò, vị trí, trách nhiệm của từng đối tượng, sử dụng các thiết bị công nghệ để theo dõi, giám sát lực lượng chống buôn lậu. Các đối tượng cầm đầu tổ chức đường dây buôn lậu không trực tiếp đứng ra thực hiện mà làm thuê người làm thay, dùng lợi ích kinh tế để thu hút và gắn chặt họ vào đường dây; một số đối tượng đã có tiền án, tiền sự về buôn lậu nên có kinh nghiệm đối phó, sẵn sàng chống trả, kích động quần chúng nhân dân gây rối để ngăn chặn việc đấu tranh, bắt giữ của lực lượng chức năng.

Mặt hàng các đối tượng nhập lậu chủ yếu là đường cát vào thuốc lá ngoại. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi giá lợn tăng cao nên các đối tượng còn nhập lậu lợn.

Đối với mặt hàng đường cát, sau khi tập kết ở các kho sát biên giới, thường được chia nhỏ để vận chuyển qua các đường mòn, lối mở, kênh rạch, mương nước tuyến biên giới; sử dụng bao bì không nhãn mác che giấu nguồn gốc xuất xứ, sử dụng hóa đơn của các nhà máy, công ty sản xuất trong nước, hồ sơ mua hàng tịch thu bán đấu giá hoặc lợi dụng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu.

Đối với mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, để che giấu ở nơi đất trống, vắng người, có nhiều đường tẩu thoát, cử người canh giữ, chờ người đến nhận hàng, nếu bị phát hiện thì chúng nhanh chóng chạy thoát thân bỏ lại hàng hóa, phương tiện hoặc chia nhỏ hàng lậu cất giấu ở nhiều nơi.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh An Giang đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, giải quyết việc làm cho các đối tượng vận chuyển thuê; tuyên truyền để người dân hiểu, tham gia phòng chống tội phạm...

Năm 2019, Công an An Giang đã phát hiện, bắt giữ 1.320 vụ liên quan 528 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa gần 47 tỷ đồng, tăng 18,4% số vụ, tăng 116% giá trị hàng hóa. Những tháng cuối năm 2019, Công an An Giang đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, tiêu hủy 3.644 con lợn nhập lậu.

Thời gian tới, Công an tỉnh An Giang tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm về buôn lậu; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong TTKS, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả việc thẩm lậu các loại hàng hàng hóa qua biên giới nhằm hạn chế phần lớn nguồn hàng lậu cung cấp cho đối tượng trong nội địa.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long: Giữ bình yên vùng sông nước miền Tây

Năm 2019, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đảng ủy Công an Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đảm bảo ANTT năm 2019, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quyết liệt tập trung chỉ đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác, từ đó tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo đảm và giữ vững ổn định, góp phần tích cực, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, các lực lượng đã điều tra, khám phá 349 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý 360 đối tượng; triệt xóa; bắt vận động đầu thú đối tượng truy nã... Phát hiện 108 vụ, bắt 158 đối tượng, thu giữ 418 gram heroin, 363,73 gram ma túy tổng hợp, 0,9 gram ma túy khác.

Kết quả điều tra khám phá án chung đạt 83,23%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng 65/67, đạt 97,01%. Tội phạm được kéo giảm đáng kể hơn so với 2018 (giảm 224 vụ, chiếm 32,36%)…Năm 2019, 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Vĩnh Long chính là việc tội phạm được kéo giảm trên địa bàn- đồng chí Phó Giám đốc cho biết thêm.

Năm 2019, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện 526 vụ vi phạm các quy định về lĩnh vực môi trường (trong đó vi phạm về khai thác khoáng sản cát trái phép 391 vụ) với 577 đối tượng; So với cùng kỳ phát hiện nhiều hơn 249 vụ (526/277=90%), trong đó khai thác cát nhiều hơn 238 trường hợp (391/153). Xử phạt vi phạm hành chính 542 trường hợp, với tổng số tiền 4,92 tỷ đồng.

Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh quan tâm, lãnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc chuẩn bị nhân sự cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đặc biệt, năm 2019, Công an tỉnh đã tập trung triển khai, chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp trọng tâm đột phá, qua đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ là: Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; Tập trung kiện toàn tổ chức, đặc biệt là ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu và Công an cơ sở, thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy trình công tác theo mô hình tổ chức mới; Phát triển xây dựng đội ngũ cán bộ, đề cao trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu đơn vị, địa phương, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chỉnh đốn lề lối, tác phong làm việc gắn với cải cách hành chính (công tác cái cách hành chính tăng 15 bậc so với năm 2018)… Những kết quả đó đã góp phần cùng Công an các địa phương lân cận giữ bình yên vùng sông nước miền Tây.

Thu Thủy - Anh Hiếu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/dau-tranh-voi-cac-doi-tuong-loi-dung-khong-gian-mang-de-xuyen-tac-pha-hoai-tu-tuong-575639/