Chủ động nâng cao kỹ năng nghề

Hiện nay, nước ta mới có hơn 22% số người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp nghề trở lên. Trong khi đó, thị trường lao động, việc làm đang chuyển dịch theo hướng ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động trình độ qua đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Vì vậy, cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan chức năng, trước hết mỗi người lao động, nhất là lao động trẻ cần có ý thức chủ động, nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao kỹ năng nghề.

Nông dân xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) được học nghề điện dân dụng miễn phí. Ảnh: Bá Hoạt

Vững nghề, dễ có việc làm phù hợp

Ông Trần Văn Thụ (sinh năm 1969), ở thôn Mạnh Trữ, xã Chu Phan (huyện Mê Linh) kể: "Do không có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn, tôi phải làm đủ mọi việc để mưu sinh. Quanh năm làm lụng vất vả, nhưng nguồn thu nhập vẫn không đủ trang trải cho các sinh hoạt tối thiểu trong gia đình".

Trước yêu cầu phải có việc làm mới để tăng thu nhập, năm 2018, ông Thụ mạnh dạn đăng ký học nghề điện dân dụng dành cho lao động nông thôn. Biết nghề, từ cuối năm 2018 đến nay, ông Thụ nhận sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện cho các hộ dân xung quanh. Nghề mới không chỉ giúp ông Thụ thoát khỏi cảnh “dầm mưa, dãi nắng”, mà còn mang lại nguồn thu nhập đều đặn. “Công việc mới giúp tôi có thu nhập, đủ trang trải, nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Gia đình tôi không còn phải sống trong cảnh nghèo”, ông Thụ cho hay.

Không riêng xã Chu Phan, nhiều lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề ở huyện Mê Linh cũng đều dễ dàng tìm được việc làm phù hợp. “Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và dịch vụ, đòi hỏi người lao động phải học nghề để chuyển đổi công việc. Nắm rõ điều này, những năm gần đây, huyện Mê Linh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động học nghề. Sau học nghề, hơn 90% người lao động có việc làm phù hợp với nguyện vọng, hoàn cảnh”, bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh chia sẻ.

Cũng như nhiều lao động vùng nông thôn khác, sau khi học nghề pha chế đồ uống (năm 2018), bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) đã mở cửa hàng bán đồ uống tại địa phương. Chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt ngày càng phát triển.

Ông Trần Văn Thụ hay bà Nguyễn Thị Nguyệt chỉ là những ví dụ nhỏ về việc người lao động có được việc làm sau học nghề. Tính chung, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, thành phố Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 200.000 lượt người; cả nước đào tạo cho hơn 2 triệu lượt người. Đáng nói hơn là khi hoàn thành các chương trình học nghề, hơn 80% người lao động đã có việc làm.

Chú trọng học nghề chuyên sâu

Lợi ích của việc học nghề bài bản đã thấy rõ, tiếc rằng, đến nay cả nước mới có hơn 12 triệu người, trong tổng số khoảng 56 triệu người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp nghề trở lên, bằng hơn 22%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề chủ yếu tập trung ở nhóm có trình độ sơ cấp, với thời gian đào tạo dưới 3 tháng. Tại Hà Nội - địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thuộc nhóm cao của cả nước, thì số người lựa chọn học nghề trình độ từ trung cấp trở lên mới chiếm khoảng 25%, số còn lại là học nghề trình độ sơ cấp.

Thực trạng này khiến thị trường khan hiếm lao động có kỹ năng. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT: “Các doanh nghiệp luôn mở cửa đón nhận những lao động qua đào tạo, giỏi kỹ năng, nhưng rất khó tuyển dụng. Đối với những người đáp ứng được các tiêu chí tuyển dụng, cũng không có nhiều người bắt tay vào việc được ngay, buộc người sử dụng lao động phải đào tạo lại”.

Nhìn rộng hơn, việc người trẻ chưa chú trọng học nghề đang ảnh hưởng đến cơ hội việc làm, thu nhập của chính họ. “Hiện nay, nước ta còn 13,3% thanh niên không có việc làm hoặc không tham gia học tập, đào tạo. Chất lượng công việc của thanh niên còn thấp khi có 39,5% lao động trẻ đang làm những công việc dễ bị tổn thương”, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dẫn chứng.

Để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, qua đó nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động, nhất là với lao động trẻ, ngoài giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mong muốn, người lao động và gia đình họ cần thay đổi quan điểm đi học nghề chỉ là phương án “phụ” trên hành trình chuẩn bị lập thân, lập nghiệp. Đồng thời mỗi người lao động, dù đã đi làm cũng nên chú trọng nâng cao kỹ năng nghề.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, Sở thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành tuyên truyền về tính ưu việt của giáo dục nghề nghiệp, giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức về học nghề. Cùng với đó, thành phố duy trì tổ chức các kỳ thi tay nghề, hội diễn kỹ năng nghề để người lao động hiểu rõ hơn lợi ích của việc học nghề bài bản, chuyên sâu. Đạt thành tích cao tại kỳ thi tay nghề thành phố Hà Nội năm 2019, sinh viên Ngô Tiến Đạt, Khoa Thiết kế đồ họa, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Em sẽ tiếp tục học tập, rèn nghề để có thể trở thành người thợ giỏi trong tương lai”.

Với sự nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng thị trường lao động ở Hà Nội cũng như cả nước sẽ được bổ sung lực lượng lao động đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/952950/chu-dong-nang-cao-ky-nang-nghe