Chủ động nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động

Vụ việc chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (Công ty Texwell Vina), 100% vốn Hàn Quốc, khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo, huyện Trảng Bom (Ðồng Nai) nợ lương, bỏ trốn trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

Vụ việc đã được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, nhanh chóng ổn định đời sống người lao động. Vấn đề thời sự là những bài học đối với công tác quản lý nhà nước và hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở doanh nghiệp, để tránh lặp lại những vụ việc tương tự.

Nỗ lực giải quyết hậu quả

Tối 8-2, ngay khi biết chủ Công ty Texwell Vina đã rời khỏi Việt Nam, hơn 1.900 công nhân tập trung ở công ty để đòi tiền lương và quyền lợi chính đáng của người lao động. Một giải pháp chủ động, linh hoạt được Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai quyết định nhằm xử lý tình thế cấp bách, đó là tạm ứng số tiền bảy tỷ đồng từ ngân sách để trả 50% tiền lương tháng 1 cho công nhân. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn hỗ trợ 500 nghìn đồng/công nhân, với tổng số tiền gần một tỷ đồng. Ủy ban MTTQ tỉnh đã hỗ trợ 100 nghìn đồng/công nhân. Thời điểm xảy ra sự việc cận kề Tết cho nên việc hỗ trợ kịp thời đã giúp phần nào giảm bớt áp lực cho anh, chị em công nhân.

Sau Tết, công nhân trở lại nhưng doanh nghiệp không hoạt động. Ðể giải quyết những hậu quả còn lại, UBND tỉnh Ðồng Nai tiếp tục tạm ứng ngân sách gần 1,4 tỷ đồng đóng bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản cho người lao động. Vì trước khi rời khỏi Việt Nam, chủ Công ty Texwell Vina ngoài nợ lương công nhân còn trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Tính đến cuối tháng 3-2018, các ngành liên quan của tỉnh Ðồng Nai đã chốt và trả sổ BHXH cho 1.726 lao động. Hơn 1.600 công nhân công ty nêu trên đã được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận vào làm việc.

Trong quá trình cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, thực hiện các bước tuần tự giải quyết vụ việc ở Công ty Texwell Vina, nhiều công nhân lúc đầu chưa hiểu quyền lợi của mình đang được bảo vệ, nên có phản ứng gay gắt. Ngày 6-3, khi tổ công tác của UBND tỉnh tổ chức gặp công nhân để hướng dẫn làm đơn xin nghỉ việc và ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp và chốt sổ bảo hiểm, nhiều anh, chị em đã không đồng tình. Ngày 7-3, một số công nhân Công ty Texwell Vina đã đến trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh Ðồng Nai yêu cầu được gặp lãnh đạo để đòi hỏi một số quyền lợi, trong đó, có yêu cầu trả 50% số lương còn lại của tháng 1-2018, mà không hiểu việc trả lương là của chủ doanh nghiệp. Sau khi ban lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp lắng nghe, giải thích, công nhân đã hiểu rõ vấn đề.

Theo Tổ công tác của UBND tỉnh Ðồng Nai (được thành lập để giải quyết vụ việc), Công ty Texwell Vina được cấp giấy phép từ ngày 31-12-2005, với số vốn năm triệu USD. Toàn bộ nhà xưởng rộng hơn 19 nghìn m2 được thuê lại từ hai doanh nghiệp khác của Việt Nam ở KCN Bàu Xéo. Lỗ lũy kế tính đến ngày 31-12-2016 là hơn ba triệu USD, nợ hơn 17,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm và hơn 14 tỷ đồng tiền lương tháng 1-2018 của người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nợ tiền thuế và thiếu nợ nhiều khách hàng.

Nâng cao nhận thức pháp luật

Chung quanh câu chuyện Texwell Vina, bộc lộ nhiều bất cập đang được các đơn vị có trách nhiệm liên quan rút kinh nghiệm. Ðại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Ðồng Nai cho rằng, tổ chức công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp chắc chắn phải biết chuyện chủ doanh nghiệp nợ đóng BHXH và lương công nhân, nhưng lại không phản ánh với công đoàn cấp trên để kịp thời xử lý là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hậu quả tiêu cực nêu trên.

Ngay cả khi sự việc xảy ra, các ngành liên quan đều bị động về thông tin của doanh nghiệp này, vì thực tế, trước đó không hề có cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực như: thuế, BHXH, hải quan, người lao động. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cảnh báo, nếu các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội không đi trước một bước, thì sẽ còn nguy cơ chạy theo xử lý khi "sự đã rồi", như vụ việc Công ty Texwell Vina. Trong những động thái khắc phục bất cập này, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã có kế hoạch kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, qua đó, nếu phát hiện có vấn đề, sẽ đưa ra khuyến cáo kịp thời.

Vào thời điểm này, một nghịch lý đang tồn tại là, báo cáo tổng kết hằng năm của nhiều cơ quan, doanh nghiệp luôn khẳng định rất chú trọng tuyên truyền kiến thức pháp luật cho công nhân lao động, nhưng qua thực tế cho thấy, hầu hết công nhân lao động còn mơ hồ về kiến thức pháp luật. Ðây cũng là thực trạng chung ở nhiều doanh nghiệp khác.

Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: đối với hoạt động tổ chức Công đoàn, cần đi khảo sát đánh giá nhu cầu của người lao động ở từng doanh nghiệp để hình thành mạng lưới, phương thức tư vấn. Vì mỗi lao động có kênh để tiếp cận chính sách pháp luật khác nhau. "Cần định hình sớm những vấn đề mà người lao động quan tâm để cung cấp thông tin cho họ. Khi tuyên truyền, cần chuyển tải nội dung dễ hiểu, gần gũi với nhận thức, hiểu biết của người lao động; đưa ra những phương hướng, giải pháp, hành vi ứng xử để họ áp dụng trong những trường hợp tương tự" - đồng chí Ngọ Duy Hiểu khuyến nghị.

Vấn đề chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn về nước đang được các cấp, các ngành lưu ý đặc biệt. Ở tầm vĩ mô, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật để chọn lọc, thu hút những doanh nghiệp thật sự có năng lực, chiến lược phát triển bền vững và đặc biệt có đạo đức, văn hóa kinh doanh. Không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá. Về công tác hậu kiểm, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cần sớm phát hiện yếu tố bất thường để kiểm soát, chấn chỉnh, ràng buộc trách nhiệm xã hội. Trong đó, thường xuyên chú ý "chăm sóc" sức khỏe những doanh nghiệp mà hầu hết tài sản được hình thành bằng cách đi thuê lại.

Bài và ảnh: THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/36001702-chu-dong-nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-cho-nguoi-lao-dong.html