Chủ động né 'thẻ đỏ, thẻ vàng'

Thời gian để Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc có rút 'thẻ vàng' đối với thủy sản Việt Nam hay không, thậm chí là vẫn giữ 'thẻ vàng' và nâng lên thành 'thẻ đỏ' chỉ còn đếm từng ngày.

Ngành thủy sản nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng đang ráo riết triển khai công tác khắc phục, quản lý chặt hoạt động đánh bắt, để EU sớm rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Có ba tình huống sẽ xảy ra đối với ngành thủy sản của chúng ta trong những ngày tới: Một là, nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của Ủy ban chấu Âu (EC) theo khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) với các minh chứng cụ thể thì “thẻ vàng” sẽ được dỡ bỏ. Hai là, nếu việc triển khai các qui định của EU về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu, nghĩa là tiếp tục giữ “thẻ vàng”. Và ba là, trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện, triển khai không hiệu quả, EC sẽ phải giơ "thẻ đỏ", đồng nghĩa với việc thủy sản Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này.

Có thể thấy rõ, trong suốt 6 tháng bị áp “thẻ vàng” vừa qua, chúng ta đã vào cuộc hết sức quyết liệt, từ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đến hành động rốt ráo của Bộ, ngành chủ quản và các địa phương trong cùng một nỗ lực khắc phục “thẻ vàng”. Đã có rất nhiều biện pháp quản lý nghiêm ngặt được áp dụng nhằm ngăn chặn và tiến tới loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản IUU đến năm 2025. Toàn bộ các địa phương đã áp dụng các hình thức xử phạt cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, xử lý rất nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được ban hành cũng đã tiếp thu tối đa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU, đưa ra nhiều quy định chặt chẽ…

Ngay cả những ngày “về đích” trong cuộc “chạy đua” rút “thẻ vàng” này, Việt Nam vẫn miệt mài hoàn thành những phần việc cần thiết để hoàn tất tốt nhất công tác khắc phục “thẻ vàng”, chuẩn bị đón các đoàn kiểm tra của EC vào tháng 5 tới. Dự kiến sau tháng 6, Chủ tịch Ủy ban nghề cá của Nghị viện châu Âu sẽ có chuyến làm việc để kiểm tra, đánh giá về thực thi công tác chống khai thác IUU của Việt Nam. Đây sẽ là chuyến làm việc quan trọng để EU đưa ra quyết định có gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản của chúng ta hay không? Do vậy, việc toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành nốt các việc là điều hết sức cần thiết và quan trọng, nếu như chúng ta không muốn đánh mất đi một thị trường lớn, chiếm tới khoảng 30% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, Việt Nam đã làm được nhiều việc để khắc phục “thẻ vàng”. Tình trạng các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trên các vùng biển nước ngoài đã giảm hẳn. Khả năng được EU gỡ “thẻ vàng” là khá cao.

Tuy nhiên, từ vụ “thẻ vàng” của EU này, chúng ta cũng phải nghiêm túc “sờ lại gáy” mình, để thấy rằng, trong bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế mạnh mẽ, Việt Nam vẫn còn quá nhiều thiếu sót, nếu không muốn nói là mơ hồ, yếu kém. Đặc biệt là yếu về kiến thức luật pháp, các quy định quốc tế và cũng còn hạn chế về sự chuẩn bị hành lang pháp lý trong nước, sự chuẩn bị các mặt hàng xuất khẩu đáp ứng các điều kiện quốc tế, để có thể ra sân chơi chung mà không vướng phải các “thẻ đỏ”, “thẻ vàng” hay các vụ kiện chống bán phá giá, phòng vệ thương mại…

Trong sân chơi hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta xác định sẽ phải đối mặt liên tục với các vụ xử phạt, tranh chấp thương mại, áp dụng phòng vệ thương mại…. Càng non yếu thì sự đối mặt này sẽ càng nhiều, nhận xử phạt có thể cũng ngày càng nặng và hậu quả thì không thể lường hết được. Do vậy, điều bắt buộc là từ người dân, doanh nghiệp cho đến các cơ quan quản lý, phải thực sự nghiêm túc, đầu tư cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, nắm chắc các luật lệ quốc tế để không vi phạm; để đưa ra các giải pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp, kịp thời. Thậm chí, phải chủ động xây dựng phương án giải quyết tranh chấp quốc tế trong cả hai trường hợp, bao gồm việc Việt Nam bảo vệ lợi ích của mình khi bị các nước khởi kiện và việc chúng ta chủ động khởi kiện các nước khi họ vi phạm những nghĩa vụ, cam kết gây xâm hại đến lợi ích của Việt Nam.

Có như vậy, chúng ta mới không còn phải phấp phỏng lo bị giơ tấm “thẻ vàng”, “thẻ đỏ’ nào, không bị kiện chống phá giá hay áp thuế oan uổng, không phải cuống cuồng đối phó bị động mỗi khi trở thành “nạn nhân”. Và có như thế cũng mới không lo bỏ lỡ các cơ hội to lớn từ hội nhập thương mại.

Ninh Hồng Nga

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/chu-dong-ne-the-do-the-vang-20180420120518713.htm