Chủ động nguồn hàng trước mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Công Thương đã chủ động mọi biện pháp để ứng phó với những ảnh hưởng của dịch bệnh.

MM Mega Market cam kế sẽ đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong và sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo cập nhật tình hình của ngành Công Thương, hiện 100% các địa phương đã hoàn thiện kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, trong đó: tập trung, theo dõi và đảm bảo đủ việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhu người dân trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội; công bố danh sách các điểm bán hàng nhu yếu phẩm được hoạt động trên địa bàn; đã bố trí 42 điểm tập kết và 23 điểm chốt kiểm soát đảm bảo khối lượng dự trữ hàng hóa tại 13/13 địa phương. Đặc biệt, ngành Công Thương đã thành lập 3 tổ điều phối hàng hóa chung, trực 24/7 tại 13 địa phương để trực tiếp nắm bắt, tổng hợp thông tin, diễn biến cung – cầu hàng hóa hàng ngày.

Tới thời điểm hiện tại, nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân; các đơn vị, cơ sở kinh doanh nhu yếu phẩm hoạt động bình thường; giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản tương đối ổn định.

Tại các chợ, siêu thị, người dân đi lại, mua sắm đã giảm để thực hiện việc giãn cách xã hội và không có tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ. Không chỉ các siêu thị, cửa hàng tiện ích, một số hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm cũng đã triển khai bán hàng online, giao hàng tại nhà. Các địa phương cũng khuyến cáo người bán, người vận chuyển, người mua đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng các biện pháp tránh lây nhiễm tiếp xúc qua hàng hóa.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có 1.598 cửa hàng, điểm bán hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân, bao gồm: 211 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 504 cửa hàng bán LPG; 130 chợ kinh doanh thực phẩm; 540 siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp…

Các huyện, thị xã, thành phố đã bố trí 883 điểm bán hàng bình ổn giá, gồm: TP Hạ Long (207 cơ sở), TP Uông Bí (47 cơ sở), TP Cẩm Phả (57 cơ sở), TX Quảng Yên (93 cơ sở), TX Đông Triều (104 cơ sở), TP Móng Cái (79 cơ sở), huyện Vân Đồn (13 cơ sở), huyện Ba Chẽ (30 cơ sở), huyện Hải Hà (28 cơ sở), huyện Tiên Yên (76 cơ sở), huyện Đầm Hà (47 cơ sở), huyện Bình Liêu (81 cơ sở) và huyện Cô Tô (21 cơ sở).

Nhân viên trung tâm thương mại Big C kiểm tra và xếp hàng hóa lên kệ đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân.

Đặc biệt, trong trường hợp nếu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn, Sở Công Thương sẽ chủ động tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, địa phương triển khai đồng bộ các phương án cung ứng hàng hóa bằng việc hỗ trợ điều tiết cung cấp giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các địa phương chủ động chuẩn bị dự kiến các điểm bán hàng, phân phối hàng tiếp nhận khi có phong tỏa; sẵn sàng phối hợp, tổ chức các điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân trong trường hợp cần thiết và cấp bách. Đồng thời, đã sẵn sàng các phương án để khi cần thiết, hệ thống các siêu thị lớn trên thị trường Miền Bắc (BigC, Vinmart, MM Mega) sẽ sử dụng đến nguồn hàng dự trữ để bảo đảm cung cấp hàng hóa từ kho của các tỉnh/thành phố khác phân phối cho tỉnh Quảng Ninh.

Theo thông tin kiểm soát của ngàng Công Thương, tình hình dự trữ hàng hóa hiện nay vẫn đang dồi dào, phong phú, không khan hiếm hàng hóa nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước... đáp ứng đủ cho nhu cầu mua sắm, sử dụng của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh.

*Tổng giá trị hàng hóa dự trữ đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó:

+ Dự trữ địa phương: 600 tỷ đồng.

+ Hệ thống các siêu thị: 730 tỷ đồng.

+ Các đơn vị phân phối ngoài tỉnh: 680 tỷ đồng.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202004/chu-dong-nguon-hang-truoc-moi-dien-bien-cua-dich-benh-covid-19-2478804/