Chủ động phòng, chống bão số 5 và siêu bão

* Lũ trên hệ thống sông Cửu Long tiếp tục lênTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 5 ảnh hưởng đến nước ta trong năm nay. Hiện bão số 5 đang di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được từ 10 đến 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ hôm nay (12-9), vị trí tâm bão cách đảo Hải Nam khoảng 440km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 đến 9 (từ 60 đến 90km/giờ), giật cấp 11. Biển động mạnh.

Triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường tại TP Cần Thơ bị ngập nước trong chiều 11-9. Ảnh: HẢI DƯƠNG

* Chiều 11-9, cơn bão Mangkhut trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương đã đạt cấp siêu bão với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (185 đến 200km/giờ). Siêu bão Mangkhut sẽ di chuyển hướng về khu vực bắc Biển Đông trong khoảng bốn ngày tới.

* Ngày 11-9, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Công điện số 50/CĐ-T.Ư gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố từ Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh đến Quảng Nam; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ, ngành liên quan ứng phó bão số 5 và siêu bão Mangkhut có khả năng sẽ vào bắc Biển Đông trong khoảng bốn ngày tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển, trên đảo và ven biển (nuôi trồng thủy sản, vận tải biển,...), nhất là đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo. Đối với khu vực trên đất liền cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để phòng, tránh, đồng thời chuẩn bị phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp. Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, và các công trình đang thi công dở dang, nhất là các trọng điểm xung yếu, những sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục. Kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản…

* Những ngày qua, một số nơi thuộc các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa trong ba đến sáu giờ tại một số nơi như sau: Xuân Lãnh 74,2 mm, Đá Trải 92,8 mm, Đập đầu mối Hoa Sơn 105,4 mm và tiếp tục có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Chính quyền hai tỉnh đã cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ và ngập úng cục bộ, nhất là huyện Đồng Xuân (Phú Yên), Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa).

* Ngày 11-9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, mưa lớn trên địa bàn phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã làm hai người lưu thông bằng xe máy bị nước cuốn trôi, khiến một người chết, và một người bị thương. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng tìm kiếm đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu; chuyển nạn nhân đã chết cho gia đình an táng.

* Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, khiến mực nước sông Cửu Long đang lên. Dự báo đến ngày 13-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,15 m, trên báo động (BĐ) 2: 0,15 m; tại Châu Đốc lên 3,8 m, dưới BĐ3: 0,2 m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long dao động ở mức BĐ2 đến BĐ3. Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đề phòng nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao, nhất là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

* Ngày 11-9, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa phối hợp Hội doanh nhân Thanh Hóa tại Hà Nội và huyện Cẩm Thủy tổ chức bàn giao nhà Chữ thập đỏ, tổng trị giá 80 triệu đồng cho gia đình bà Quách Thị Nguyệt, ở thôn Sống, xã Cẩm Ngọc. Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa trao chín tấn gạo cùng 65 triệu đồng tiền mặt tặng UBND các huyện: Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy. Ban Trị sự Phật giáo huyện Vĩnh Lộc đến thăm hỏi, động viên và trao 416 suất quà, mỗi suất 10 kg gạo, tổng trị giá gần 60 triệu đồng tới các gia đình bị ngập lụt ở các xã: Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Khang.

* Tuyến đường nối từ xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười và xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có chiều dài hơn 2 km, ngang 3,5 m, vừa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào tháng 6-2018, với kinh phí gần 3,5 tỷ đồng. Hiện nay, có một số đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở dài khoảng 32 m, sâu 7 m, có điểm ăn sâu hơn nữa chiều rộng của tuyến lộ, nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông rất cao, nhất là vào ban đêm.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37591602-chu-dong-phong-chong-bao-so-5-va-sieu-bao.html