Chủ động phòng, chống cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình năm 2022 có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2ºC. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đánh giá, một số nơi sẽ có nguy cơ cháy rừng cấp IV, V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm) trong thời gian cao điểm mùa khô.

Xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) có địa hình rất phức tạp. Vùng đồi núi thuộc khu vực núi Cô Tô rừng trồng xen lẫn với cây tái sinh tự nhiên. Phần lớn diện tích là rừng khộp lá rụng theo mùa, có một số hộ trồng cây ăn quả và vườn tạp.

Tại khu vực triền núi, các đồi cao, việc vận chuyển, dự trữ nước phục vụ công tác chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn.

Tại khu vực triền núi, các đồi cao, việc vận chuyển, dự trữ nước phục vụ công tác chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn.

Trên núi có một số khu vực bị chia cắt bởi cây bụi, dây leo chằng chịt, độ dốc cao, điều kiện đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến công tác tuần tra và chữa cháy rừng. Mùa khô nắng nóng gay gắt, gió thổi mạnh, lượng nước dự trữ khan hiếm, nhất là khu vực triền núi và các điểm trên đỉnh cao, nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Khi xảy ra cháy rừng thì công tác tiếp nước, chữa cháy rất khó khăn và phức tạp.

Ông Đỗ Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng Ban Chỉ huy Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Tri Tôn cho biết, diện tích đất có rừng của địa phương là 6.880ha, trong đó có 4.347ha là vùng trọng điểm cần bảo vệ, phòng cháy; khu vực có nguy cơ cháy cao khoảng 1.850 ha…

Vào mùa khô, các đối tượng săn bắt thường tổ chức bắt ong, dễ gây cháy. Trên núi có một số am, chùa và hộ dân sinh sống, khách hành hương đến cúng viếng, đốt giấy tiền vàng mã không cẩn thận cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng. Theo ông Trí, khả năng cháy rừng, cháy lớn trên diện rộng là rất cao, nhất là các khu vực rừng tràm.

Do đó ngay từ đầu năm, ngành chức năng đã triển khai các giải pháp cụ thể, theo quan điểm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả. Quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Huyện Tri Tôn đã chủ động với 232 bồn chứa nước và 37 hồ chứa nước từ 1m3 – 400m3, đồng thời dự trữ nước trong các can nhựa tại các điểm chốt bảo vệ rừng. Toàn huyện có 7 chốt trực, 6 tháp canh, 4 tổ 775 người tuần tra bảo vệ - phòng cháy chữa cháy rừng gồm đủ thành phần ban ngành…

Huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 7.759ha. Theo đánh giá, mùa khô năm 2022 sẽ bắt đầu sớm hơn. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện - Ban Chỉ huy Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Tịnh Biên cho biết, thời gian qua, Công an, Quân sự, Kiểm lâm và Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng các đơn vị đóng quân trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, diễn tập thao tác vận hành máy móc, thiết bị được trang bị phục vụ công tác chữa cháy rừng đảm bảo hoạt động tốt và cơ động kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra.

Các chủ rừng như: Trạm quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên – Châu Đốc, Công ty TNHH MTV Thành Đô An Giang, Điểm du lịch sinh thái Trà Sư cũng đã chủ động thực hiện một số biện pháp để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chủ rừng đã cho phát dọn cỏ, chặt dây leo, cây bụi, đôn đốc các hộ nhận giao khoán rừng thực hiện đường băng trắng xung quanh lô rừng, dọn đường băng cản lửa các vùng trọng điểm cháy đã được xác định như: khu vực núi Phú Cường, đường công binh Núi Cấm…, với chiều rộng từ 10-30m, đốt chủ động diện tích đất cỏ ven chân núi, giáp ranh đất sản xuất nông nghiệp ngăn ngừa lửa cháy lan. Nước ở các hồ, bồn nước hiện có được bổ sung. Các hộ sản xuất lúa xung quanh rừng được hướng dẫn đốt rơm rạ đúng theo quy định.

Cà Mau hiện có hơn 53.800ha rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo là hai đối tượng dễ cháy cần phải đặc biệt quan tâm. Các tuyến dẫn lên rừng trên đảo Hòn đều cắm biển báo cấm lửa bảng dự báo cấp cháy cũng đặt ở những vị trí thuận lợi để cảnh báo.

Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai tăng cường kiểm tra những khu vực có nguy cơ cháy cao, đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện tại chỗ, kịp thời ứng phó khi có tình huống cháy xảy ra. Những khu vực nguồn nước không tới được thì bố trí bình xịt nước có gắn động cơ. Các hồ chứa nước ngọt cũng trữ đầy.

Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, ngành chức năng đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm camera chuyên dụng để giám sát lửa rừng. Hệ thống camera cảnh báo tự động được lắp đặt trên độ cao 26m, có 4 mắt, 2 mắt dùng để quét nhiệt và 2 mắt dùng để ghi hình ảnh, sử dụng điện lưới để hoạt động. Tầm nhìn của mắt camera lên đến 5km, bao quát khoảng 2.500ha rừng. Camera khi quét sẽ tự động phân tích đó là khói hay mây hoặc nơi đó đang có lửa. Sau đó sẽ truyền tín hiệu về trung tâm thông qua hệ thống âm thanh và còi báo động.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, có gần 5.000 hộ dân vùng rừng ký cam kết thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm nay. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã đề nghị Vườn quốc gia U Minh Hạ tạm dừng hoạt động dịch vụ câu cá trên lâm phần.

Chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan… chăm lo đời sống người dân ven rừng, tuyệt đối không để người dân tự ý vào rừng lấy mật ong, bắt cá, đốt đồng… gây cháy lan; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống cháy rừng…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/chu-dong-phong-chong-chay-rung-i645497/