Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Nhờ tăng cường công tác phòng dịch cùng chế độ chăm sóc hợp lý nên đến nay, 100% đàn bò trên địa bàn xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng được đảm bảo an toàn và tăng trưởng tốt. Điều này giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã giảm bớt gánh nặng trước tình trạng bò rớt giá.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Là một trong những hộ từng chịu thiệt hại do sự xuất hiện bệnh tụ huyết trùng và viêm da nổi cục trên đàn bò, mùa mưa năm nay, bà Vũ Thị Hạnh ở thôn 6 đã chủ động phòng dịch bệnh cho đàn bò, thực hiện đầy đủ tiêm vắc xin, thường xuyên theo dõi sức khỏe vật nuôi. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình được an toàn, sinh trưởng tốt. Theo bà Hạnh, việc cán bộ thú y xã chủ động tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, đặc biệt trên đàn bò giúp người dân yên tâm hơn trong chăn nuôi. “Nhờ được tiêm vắc xin phòng ngừa đầy đủ và kịp thời, đàn bò của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh. Cán bộ thú y của xã cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở bà con thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại, theo dõi vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời các loại bệnh trên đàn gia súc nhằm có hướng xử lý hiệu quả” - bà Hạnh chia sẻ.

Cán bộ thú y xã Đăng Hà tiêm vắc xin phòng bệnh cho bò của gia đình ông Dương Căn Sơn ở thôn 6

Cùng ở thôn 6, bà Hà Thị Liên cho rằng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, gia đình tôi luôn chủ động tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trên đàn bò. Ngoài tiêm phòng, vào ban đêm, nhất là mùa mưa, tôi còn đốt nhang muỗi, trấu để bò không bị muỗi đốt; đồng thời duy trì chế độ ăn uống, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cột bò những nơi thoáng mát... Nhờ vậy, đàn bò của gia đình không bị dịch bệnh, sinh trưởng tốt.

Theo các hộ chăn nuôi, thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch máng ăn, uống, các dụng cụ chăn nuôi; phun khử trùng trong và ngoài chuồng là cách tốt nhất để diệt mầm bệnh có trong môi trường.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Ông Lục Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho biết: Đặc trưng của Đăng Hà là xã thuần nông, nông dân chủ yếu trồng lúa, bắp và chăn nuôi heo, bò, trâu. Trong đó, bò được nuôi nhỏ lẻ, theo hộ gia đình nhằm tăng thêm thu nhập. Để đảm bảo an toàn cho hơn 1.100 con tại địa phương, xã thường xuyên tuyên truyền đến người dân tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin và phương pháp chăm sóc bò. Đặc biệt, vận động các hộ nuôi tự giác thực hiện nghiêm “5 không” trong phòng dịch, chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng sức khỏe, giúp bò có đủ khả năng chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh.

Với nông dân xã Đăng Hà, bò là vật nuôigiúp gia đình tăng thêmthu nhập mỗi năm

Song song đó, công tác quản lý, giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi luôn được chính quyền xã Đăng Hà thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng việc tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, kiểm dịch trên đàn bò. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% số lượng bò trên địa bàn xã đã được tiêm các mũi vắc xin phòng bệnh, toàn xã chưa xuất hiện tình trạng dịch bệnh trên đàn bò.

Ông Lục Đức Lập cho biết thêm: Những năm gần đây, Đăng Hà phát hiện một số bệnh như viêm da nổi cục trên đàn bò, lở mồm long móng trên đàn heo. Qua tuyên truyền, thực hiện tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng và sự hỗ trợ từ các phòng chuyên môn của huyện, địa phương đã cơ bản kiểm soát tốt, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện đàn gia súc, đặc biệt là đàn bò của địa phương có chiều hướng gia tăng trở lại.

Theo báo cáo của ngành thú y Việt Nam, một số loại dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trong nước đang có chiều hướng gia tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2023, như: viêm da nổi cục, tai xanh, dại, lở mồm long móng, cúm gia cầm… Nhằm đảm bảo an toàn cho vật nuôi tại địa phương, Đăng Hà sẽ tiếp tục chủ động phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên vật nuôi để nông dân an tâm phát triển kinh tế gia đình.

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/151227/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi