Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên động vật nuôi

Chiều 19-2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đã phát hiện tám ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, với gần 200 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Ngoài ra, cả nước hiện vẫn còn một ổ dịch cúm gia cầm tại Khánh Hòa, và bốn tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Kon Tum có lợn mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) chưa qua 21 ngày.

Ðáng lo ngại là hiện đang trong giai đoạn cao điểm mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt động vật tăng cao, cộng với thời tiết đầu xuân nồm ẩm, rất thuận lợi cho dịch bệnh trên gia súc, gia cầm lây lan trên diện rộng.

Ðể kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên động vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi, ngày 1-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 773/CÐ-BNN-TY yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Ðồng thời giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên động vật tại các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam. Cục Thú y cũng đã khẩn trương kiện toàn các phòng xét nghiệm và thành lập các đội phản ứng nhanh, với đầy đủ lực lượng, phương tiện cần thiết để kịp thời ứng phó các tình huống khẩn cấp, đồng thời hỗ trợ kịp thời vắc-xin, hóa chất theo quy định cho các địa phương để tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hay các cơ quan chức năng của Bộ có cố gắng đến đâu, nhưng nếu các địa phương vẫn chủ quan, thờ ơ trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật, thì dịch sẽ rất dễ bùng phát. Thí dụ điển hình là dịch LMLM trên đàn lợn ở huyện Ðác Hà, tỉnh Kon Tum được phát hiện từ cuối tháng 12-2018 tại hai thôn của xã Ðắk La, với hơn 180 con mắc bệnh, nhưng đến nay đã lan rộng ra nhiều thôn, xã khác, với hơn 1.000 con mắc bệnh phải tiêu hủy.

Vì vậy, từng địa phương cần coi công tác phòng, chống dịch bệnh động vật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, nhất là thực hiện nghiêm: Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 6-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại; Công điện số 1194/CÐ-TTg ngày 12-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Ðồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với lợn và các sản phẩm của lợn từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi; cũng như hướng dẫn người chăn nuôi, các đơn vị thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn gia súc, gia cầm, thường xuyên áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi.

Về lâu dài, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm an toàn sạch bệnh từ trang trại đến bàn ăn, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

HOÀNG LONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/39266002-chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-dong-vat-nuoi.html