Chủ động phòng, chống dịch bệnh vùng bị thiên tai

Hà Nội và nhiều địa phương khu vực phía bắc đang trải qua đợt mưa to trên diện rộng, gây ngập úng cục bộ. Tình trạng mưa lũ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là phải đối mặt nguy cơ bùng phát các dịch bệnh...

Kiểm tra thuốc, hóa chất phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị y tế huyện Chương Mỹ. Ảnh: VÂN VÂN

Từ cuối tháng 7 đến nay, một số huyện của Hà Nội đã trải qua các đợt mưa to và kéo dài. Mưa lớn kèm nước ở thượng nguồn đổ về dẫn đến mực nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, gây ngập lụt kéo dài tại huyện Chương Mỹ và một số khu vực lân cận. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ Dương Viết Tài cho biết: Tình hình mưa lũ khiến hơn 3.600 gia đình thuộc 11 xã vùng thấp, trũng bị ngập nước hoàn toàn, trong đó hai xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến đoàn thể triển khai nhiều biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân như: Phối hợp Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, các trạm y tế xã khám cho gần 1.600 người. Qua thăm khám, sàng lọc, phát hiện điều trị kịp thời cho 40 người bệnh bị đau mắt đỏ, sáu người bị tiêu chảy, hơn 10 người mắc bệnh về da liễu và các bệnh khác. Trung tâm cũng phát 4.688 túi thuốc (thuốc tra mắt, thuốc ngoài da); 5.740 túi cloramin B; 2.740 túi phèn chua cho các hộ dân bị ngập úng; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử trùng cho gần 350 hộ gia đình. Thành lập năm đội cấp cứu cơ động thường trực tại đê tả Bùi sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế cho công tác sơ cấp cứu người dân và xử lý môi trường kịp thời, hiệu quả.

Trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Phùng Thị Hậu cho biết, xã có bốn thôn: Nam Hải, Nhân Lý, Hạnh Bồ và Hạnh Côn gần như bị cô lập. Ðể kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã, Trung tâm y tế huyện phối hợp trạm y tế xã thành lập trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24 giờ hằng ngày; cấp phát thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người dân bị cô lập; tổ chức thường xuyên việc thăm khám sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi, là các đối tượng thường có nguy cơ mắc dịch bệnh trong mùa mưa, lũ. Kết hợp y tế thôn tuyên truyền, tư vấn, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh trong và sau ngập úng, với mục tiêu không để xảy ra dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị y tế đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa, lũ; bảo đảm nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, chất lượng; chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; xử lý xác súc vật chết; thu gom rác thải sinh hoạt và tiêu hủy đúng quy định, không để ô nhiễm môi trường gây dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cần cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ các địa phương giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút; dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát …

Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía bắc như: Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Ðiện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội hứng chịu các đợt mưa lớn, kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ. Mưa lũ kéo dài là điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra môi trường, gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là sau khi nước rút. Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế đóng trên địa bàn hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh với tinh thần nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Ðẩy mạnh công tác giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… Cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Các địa phương cần duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau, rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng cloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại vùng bị lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37218702-chu-dong-phong-chong-dich-benh-vung-bi-thien-tai.html