Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người

Hiện nay, cúm gia cầm vẫn ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho vi-rút phát triển, bởi vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bảo Thắng là địa phương chăn nuôi gia cầm có quy mô lớn nhất tỉnh. Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến, xã Xuân Quang hiện có khoảng 10.000 con gà. Tháng 11/2017, hợp tác xã đã được chứng nhận an toàn với bệnh cúm gia cầm và Newcastle, xây dựng được quy trình phòng dịch nghiêm ngặt với nhiều nội quy bắt buộc để các hộ thành viên thực hiện.

Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Tiêm vắc-xin phòng cúm cho đàn gia cầm là biện pháp quan trọng nhất để phòng dịch chủ động. Hợp tác xã được nhận hỗ trợ cấp không thu tiền vắc-xin cúm gia cầm để tiêm phòng cho đàn gia cầm phòng chủng cúm A/H5N1. Tuy nhiên, hiện chủng cúm gia cầm rất đa dạng, bởi vậy, mới đây hợp tác xã đã đặt mua vắc-xin ngừa đa chủng để bảo vệ đàn gà. Hợp tác xã cũng kiểm tra mẫu bất kỳ trong đàn gia cầm theo định kỳ để kiểm dịch.

Phun khử trùng để phòng cúm gia cầm.

Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến còn thực hiện nhiều biện biện pháp phòng dịch cúm gia cầm khác, như đảm bảo môi trường chăn nuôi; nhập con giống khỏe, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nuôi cách ly, theo dõi 21 ngày trước khi nhập đàn; nguồn nước, thức ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh. “Tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm cần được thực hiện ở cả những nông hộ nuôi nhỏ lẻ. Nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, tiêm đúng, tiêm đủ vắc-xin không chỉ góp phần cho chăn nuôi phát triển ổn định, mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính người chăn nuôi, người tiêu dùng” - ông Quang nói.

Cúm A/H5N1 là chủng cúm nguy hiểm, có độc lực cao, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người. Vi-rút cúm A/H5N1 có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi, họng, phân gia cầm nhiễm bệnh, bụi, đất. Đối với người, có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh. Khi nhiễm cúm A/H5N1, người bệnh có các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau ngực, khó thở, đau họng, ho khan, đau đầu, đau nhức cơ... Bệnh diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người hiện được đẩy mạnh ở các đơn vị y tế cơ sở. Cán bộ các trạm y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm; phối hợp với cán bộ thú y tuyên truyền thông qua các hình thức, như tuyên truyền tại các buổi họp thôn, hội nghị tuyên vận... để người dân nâng cao ý thức không sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không giết mổ, sử dụng, mà phải thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Những hộ chăn nuôi cũng không được tự tiêu hủy gia cầm bị bệnh, vứt xác xuống sông, suối gây ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm.

Ông Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khuyến cáo của cơ quan y tế, khi người dân có biểu hiện cúm, như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362254-chu-dong-phong-chong-dich-cum-gia-cam-lay-sang-nguoi