Chủ động phòng, chống 'hỏa tặc' trên tàu, thuyền, bến cảng

Cháy nổ tàu, thuyền trên sông, biển, bến neo đậu, bãi chứa tàu, cảng biển... thường gây hậu quả rất nghiêm trọng, bởi những phương tiện này có nhiều chất dễ cháy, nổ, như: Bình ắc-quy, bình gas, xăng, dầu, ván gỗ, thùng xốp... trong khi điều kiện chữa cháy khó khăn, giá trị tài sản lớn.

Ví dụ như vụ cháy tại bãi chứa tàu, thuyền, ca nô ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 26-2-2023, lửa bùng phát nhanh đã gây cháy lan, thiêu hủy nhiều ca nô; vụ cháy du thuyền chở khách đi từ TP Thủ Đức đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) xảy ra chiều 11-11-2022 dù không thiệt hại về người nhưng du thuyền bị thiêu rụi và chìm, thiệt hại hơn 6 tỷ đồng...

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an TP Hồ Chí Minh), những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn cháy, nổ tàu, thuyền là do: Sơ suất, bất cẩn trong quá trình vận hành, gây chập điện; các dây dẫn đã quá cũ, quá tải hoặc bong tróc; thuyền viên và thợ máy sử dụng bếp gas để nấu ăn gây cháy; hàn xì, rò rỉ ống dẫn gas khi sử dụng và sửa chữa tàu; một số chủ tàu còn chủ quan, không để ý công tác phòng, chống cháy, nổ trên phương tiện...

Các lực lượng và phương tiện tham gia diễn tập chữa cháy tàu tại cảng Tân Cảng - Cát Lái.

Các lực lượng và phương tiện tham gia diễn tập chữa cháy tàu tại cảng Tân Cảng - Cát Lái.

Trước nguy cơ hỏa hoạn trên các phương tiện đường thủy, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó, việc tổ chức diễn tập chữa cháy tàu, thuyền, phương tiện trên sông, biển được coi là biện pháp tổng hợp để ngăn chặn, giảm nguy cơ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Cuối năm 2022, thành phố tổ chức cuộc diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cảng Tân Cảng-Cát Lái (thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), huy động đông đảo lực lượng, phương tiện tham gia. Với tình huống giả định: Tàu container có tải trọng 25.000 tấn chở 1.500 container chứa hàng dễ cháy, nổ, trong quá trình vận chuyển bị bão lớn khiến hàng hóa trên tàu bị dịch chuyển, ma sát sinh nhiệt hình thành đám cháy âm ỉ, khi tàu cập cảng để xếp dỡ hàng hóa thì đám cháy bùng phát trong hầm hàng, vượt quá khả năng chữa cháy tại chỗ. Nhận được tin báo, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh đã huy động 116 phương tiện chữa cháy và hơn 400 người tham gia cứu hộ, chữa cháy... Sau 40 phút, đám cháy được dập tắt, cuộc diễn tập kết thúc.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: “Cuộc diễn tập là cơ hội tốt để lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tập dượt, áp dụng kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu hộ trên sông, biển, góp phần nâng cao bản lĩnh, nghiệp vụ chuyên môn, thống nhất trong tiếp nhận thông tin báo cháy, chỉ huy, điều hành phối hợp với các lực lượng tham gia chữa cháy bảo đảm hiệu quả để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có tình huống xảy ra”.

Trực tiếp chỉ huy xử lý phương án diễn tập chữa cháy theo tình huống ban đầu, Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ: Cuộc diễn tập với cường độ cao, quy mô lớn, tình huống cháy, nổ rất sát thực tế đã giúp lực lượng chữa cháy tại cơ sở và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tân Cảng Sài Gòn nhận thức rõ hơn về nguy cơ, tác hại của cháy, nổ, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ cháy, nổ, đồng thời biết cách xử trí hiệu quả khi tình huống này xảy ra.

Bài và ảnh: THÀNH HOAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/chu-dong-phong-chong-hoa-tac-tren-tau-thuyen-ben-cang-728345