Chủ động phòng ngừa tranh chấp lao động

Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đẩy mạnh hoạt động sản xuất, người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca; các doanh nghiệp tiến hành trả lương, thưởng cuối năm, dịp Tết cho người lao động. Các hoạt động, quan hệ nghĩa vụ, quyền lợi này nếu không được quan tâm giải quyết thấu đáo, hài hòa, trên cơ sở pháp luật, rất có thể xảy ra tranh chấp lao động căng thẳng, mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn thành phố; giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội cho người lao động và người sử dụng lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động như tiền lương, làm thêm giờ, phúc lợi, ăn ca, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành và công đoàn cấp trên cơ sở thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình đời sống, nguyện vọng của công nhân lao động để hỗ trợ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn các cấp, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tổng hợp thông tin, nguyện vọng của người lao động báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện và thị xã trong công tác giải quyết các tranh chấp lao động và đình công.

Để phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công đạt hiệu quả, các cấp, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là tổ chức công đoàn cần nắm chắc tình hình, tư tưởng, tâm lý, nguyện vọng, yêu cầu của người lao động; những vướng mắc, bức xúc trong quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động; những quy định mới của doanh nghiệp phát sinh phản ứng với số đông người lao động; kịp thời xác định rõ nguyên nhân, hậu quả, mức độ ảnh hưởng, sớm phối hợp tổ chức đối thoại với chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, trên tinh thần xây dựng, tiến hành thương lượng bảo đảm hài hòa các lợi ích, khiến doanh nghiệp điều chỉnh chính sách, chế độ, quy định phù hợp, để ổn định, phát triển bền vững. Công đoàn cùng các ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tìm các giải pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội. Chính quyền các cấp huy độ

AN VŨ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34129502-chu-dong-phong-ngua-tranh-chap-lao-dong.html