Chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm minh

Năm 2022 mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được tỉnh chỉ đạo triển khai hiệu quả. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phường Minh Thành (TX Quảng Yên) hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phường Minh Thành (TX Quảng Yên) hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, công tác PCTN, tiêu cực được tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 42 văn bản chỉ đạo, lãnh đạo về công tác PCTN, tiêu cực; xây dựng kế hoạch công tác PCTN, từ đó chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ động kiểm tra, thanh tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục nhưng tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý... Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN, tiêu cực.

Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai với phương châm nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng như ý thức trách nhiệm của CBCCVC đối với công tác PCTN, tiêu cực; hình thành quy chế, quy định đồng bộ, cụ thể giám sát tham nhũng, suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên... Qua đó tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; đội ngũ CBCCVC “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công khai các lĩnh vực do đơn vị, địa phương quản lý, như: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) của các cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; các quỹ có nguồn từ NSNN; đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; các khoản thu vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và chi tín dụng nhà nước; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển vùng; quy hoạch sử dụng đất... Những nội dung này được công khai qua việc phát hành các ấn phẩm; trên phương tiện thông tin đại chúng; văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức...

Căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn, UBND tỉnh và các đơn vị, địa phương ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng chức danh lãnh đạo, quản lý. Các đơn vị, địa phương công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan mình: Niêm yết các chính sách, quy trình, TTHC trên Cổng dịch công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đến nay, 13/13 địa phương cấp huyện và các sở, ban, ngành đã công bố danh sách, số điện thoại, thiết lập đường dây nóng nhằm thu thập phản ánh, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp về hoạt động của cơ quan, đơn vị..., qua đó tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh nắm tình hình hoạt động của Trạm Y tế xã Bình Dân (huyện Vân Đồn), tháng 3/2022. Ảnh: Nguyên Ngọc

Thực hiện công tác PCTN, tiêu cực, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW (ngày 18/2/2019) của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân”, gắn với phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 27-CT/TW (ngày 10/1/2019) của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Định kỳ hằng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì nghe và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, gắn với giải quyết kiến nghị cử tri. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương chú trọng công tác tiếp công dân, chủ động nắm và giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở, tránh gây phức tạp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức kiểm tra 266 đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn. Qua kiểm tra đã phát hiện 5 trường hợp vi phạm về thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp. Thanh tra tỉnh, thanh tra các huyện, thị xã, thành phố triển khai 147 cuộc thanh tra. Qua kết luận thanh tra, đã kiến nghị: Thu hồi về NSNN trên 25 tỷ đồng; 3.717m2 đất; xử lý khác về kinh tế trên 5,458 tỷ đồng; thu hồi 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với 149 tập thể, 226 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc; 6 nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước.

Theo đánh giá của tỉnh, hiệu lực pháp luật trong PCTN, tiêu cực trên địa bàn được nâng lên rõ nét. Tình hình tham nhũng, tiêu cực từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhờ đẩy mạnh tính công khai, minh bạch đã góp phần giảm thiểu những hạn chế, bất cập, khắc phục những sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; hiệu quả công tác phát hiện, truy tố, xét xử và tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án được nâng cao.

Nguyễn Huế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chu-dong-phong-ngua-xu-ly-nghiem-minh-3216390.html