Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân

BHG - Tính đến thời điểm này, tổng diện tích gieo trồng các loại cây vụ Xuân trên địa bàn toàn tỉnh đạt 34.901 ha. Do thời tiết nồm ẩm, độ ẩm không khí tăng cao trên 85%, kèm theo mưa phùn, tạo môi trường thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, gây hại đến cây trồng. Chính vì vậy, người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo năng suất, sản lượng cây lương thực hằng năm.

Bà con thôn Châng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) chăm sóc lúa vụ Xuân.

Vụ Xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị May, thôn Châng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) gieo cấy hơn 1.000m2 lúa, giống HKT 99. Theo kinh nghiệm của nhà nông, năm nhuận sẽ thường khó khăn hơn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vì thời tiết mưa, nắng thất thường. Những trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh. Theo lịch thời vụ, bà vẫn thường xuyên ra thăm đồng, làm cỏ, điều tiết nước cho cây lúa. Nhờ ý thức được tầm quan trọng của việc phòng trừ sâu bệnh nên diện tích lúa của nhà bà May sinh trưởng, phát triển tốt.

Hiện nay, xã Phương Thiện gieo cấy được 60 ha lúa, 50 ha ngô, 30 ha rau, đậu. Ngoài các cây trồng ngắn ngày, nhân dân đang tập trung chăm sóc 125 ha cây chè, 78 ha thảo quả và thu hoạch 1,3 ha cây dược liệu Huyết dụ, Quýt bông, chuẩn bị gieo trồng vụ sau. Tiến độ sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 100% kế hoạch giao. Với mục tiêu vụ Xuân thắng lợi, xã thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, thăm đồng, nắm bắt tình hình sinh trưởng của các loại cây trồng và tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Theo báo cáo, huyện Vị Xuyên đã hoàn thành gieo trồng 1.800 ha các loại cây. Tuy nhiên, đối với cây lúa, một số diện tích ở xã Việt Lâm, Linh Hồ, Đạo Đức bắt đầu xuất hiện bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ trung bình 1 - 5%, cao 15% diện hẹp, cục bộ và đốm sọc vi khuẩn, tỷ lệ nhẹ. Để dịch bệnh không lây lan diện rộng, hạn chế thấp nhất đến năng suất, chất lượng cây trồng, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, dự tính, dự báo dịch hại, tập trung khống chế, khoanh vùng, dập dịch nhanh và đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, ưu tiên sử dụng các loại thuốc thảo mộc sinh học an toàn.

Vụ Xuân này, toàn tỉnh đã gieo trồng 8.789 ha lúa; 17.439 ha ngô; hơn 3.000 ha đậu tương; 4.500 ha lạc và các loại rau, đậu. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh xác định rất rõ nhiệm vụ trước tiên là đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn trong mọi tình huống. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo rất cụ thể các giải pháp phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân trên ha đất canh tác đạt 62 triệu đồng năm 2023, hoàn thành vượt chỉ tiêu giao cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Để đạt được chỉ tiêu đó, toàn ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, triển khai các chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, ứng dụng cơ giới hóa, cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc sản phẩm và nhân rộng các mô hình cho kinh tế cao.

Đồng chí Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Tính đến nay, một số loại cây như lúa, ngô, tiến độ gieo trồng đạt 94% kế hoạch. Những diện tích lúa gieo cấy chính vụ đang hồi xanh, trà lúa muộn giai đoạn mạ 3 lá và cấy; cây ngô phát triển 2 - 3 lá. Thời tiết những ngày này âm u, dẫn đến phát sinh sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã điều tra, phát hiện tình hình sinh vật gây hại, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các huyện, thành phố để triển khai phương án phòng, chống dịch hại cây trồng đến cấp xã. Dự báo thời gian tới, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chuyên môn, người dân cần tiếp tục chủ động thăm đồng, theo dõi diễn biến sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời”.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phong-chong-thien-tai-va-dich-benh/202303/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-cay-trong-vu-xuan-6710e62/