Chủ động phương án phòng chống thiên tai

Những tháng đầu năm 2023, tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai: Rét đậm, rét hại, mưa đá, giông lốc, hạn hán... gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Dự báo thời gian tới, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, các cấp, ngành chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Để đảm bảo giao thông mùa mưa lũ, các đơn vị quản lý đường bộ thường trực máy móc trên các tuyến, đảm bảo ứng cứu kịp thời, giao thông thông suốt mùa mưa. Trong ảnh: Công ty Cổ phần Đường bộ 226 khắc phục sạt lở trên tuyến Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa.

Ngay từ đầu năm, các cấp, ngành chức năng đã chủ động kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Với phương châm “phòng là chính”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó thiên tai của người dân và cộng đồng. UBND tỉnh chỉ đạo các chính quyền cấp huyện triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã, thôn bản, thị trấn về cách thức, quá trình xây dựng: Bản đồ rủi ro thiên tại trên địa bàn xã, đánh giá rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tổ chức các hoạt động của đội xung kích cấp xã. Từ đó xây dựng cộng đồng có năng lực ứng phó tốt hơn với các loại hình thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định dân sinh, phát triển kinh tế địa phương.

Hiện nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều đã kiện toàn lực lượng xung kích; 129/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai. Sở Công Thương thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác PCTT&TKCN, tổ chức cung ứng kịp thời, phục vụ nhân dân, không để thiếu hàng hóa khi có thiên tai xảy ra. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 37 tỷ đồng, gồm: Mỳ ăn liền, gạo, các mặt hàng lương thực, thực phẩm; nước uống đóng chai; xăng dầu, tôn lợp, đinh vít, dây thép... Sở Y tế đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng. Tại Trung tâm Y tế cấp huyện chuẩn bị sẵn 5 cơ số thuốc, có 1 - 2 đội chống dịch cơ động và 1 đội cấp cứu lưu động. Đối với các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, công tác chuẩn bị y tế được tổ chức tại các trạm y tế cấp xã và phòng khám đa khoa khu vực. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo, tổ chức diễn tập ứng phó lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và xã. Trong trường hợp có thiên tai xảy ra, lực lượng quân sự các cấp huy động tối đa lực lượng gồm dân quân tự vệ, các tổ đội xung kích và người dân triển khai các phương án ứng phó, không để bị động bất ngờ. Phối hợp với lực lượng công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng. Công tác quản lý, vận hành đảm bảo đúng quy trình và chủ động phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Để đảm bảo an toàn hồ đập, trước mùa mưa Công ty tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp phòng chống bão lụt và đảm bảo an toàn hồ đập với chính quyền cấp huyện, xã và các lực lượng: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Các bên thống nhất phương án đảm bảo an toàn mùa mưa lũ phù hợp với tình hình thực tế từng hồ đập, sẵn sàng lực lượng ứng phó với những diễn biến bất thường, gây mất an toàn, không để bị động, bất ngờ. Trước mùa mưa, Công ty tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình trạng các hồ chứa nước, nhất là các công trình đầu mối quan trọng để sửa chữa, khắc phục kịp thời những hư hỏng, xuống cấp và chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu, vật liệu dự phòng trước, trong mùa mưa lũ. Từ đầu tháng 5, Công ty đã phân công cán bộ, công nhân viên phụ trách các hồ, đập và duy trì chế độ trực 24/24 giờ. Khi báo động sự cố lên đến cấp 3, các cụm quản lý thủy nông phải thông báo với chính quyền địa phương và các đơn vị phối hợp sẵn sàng triển khai theo các kịch bản, phương án đã xây dựng.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/phong-chong-thien-tai/205987/chu-dong-phuong-an-phong-chong-thien-tai