Chủ động tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế

5 tháng qua, tình hình kinh tế – xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến nước ta. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân công được xem là một giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả (Ảnh: Lê Tiên)

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân công được xem là một giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả (Ảnh: Lê Tiên)

Cụ thể, từng bước giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về sản xuất nông nghiệp, năng suất, sản lượng thu hoạch lúa đông xuân đạt kết quả tích cực, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khá do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả. Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, năng suất gieo trồng lúa vụ Đông xuân năm 2023 của cả nước ước đạt 68,3 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng thu hoạch ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 184,6 nghìn tấn. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, trong đó: Số đàn lợn cuối tháng 5 tăng 2,6% so với cùng thời điểm 2022; gia cầm tăng 1,3%; bò tăng 1,2%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 5 ước tăng 2,5% so với cùng kỳ 2022; tính chung 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 2,9%, trong đó tôm tăng 2,6%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tích cực hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2023 tăng 2,2% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 2% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,8% so với cùng thời điểm 2022.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính tăng 11,5%; vận chuyển hành khách tăng 13,6% và luân chuyển hành khách tăng 21,8%; vận chuyển hàng hóa tăng 20,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 15,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022, vận chuyển hành khách tăng 21,2% và luân chuyển tăng 41,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 18% và luân chuyển tăng 17,9%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ 2022 xuất siêu 0,24 tỷ USD). Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.

Chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau dịch COVID-19 cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới trong thời gian qua nên khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2023 ước đạt 916,3 nghìn lượt người, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 25,5% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2022, biểu hiện kết quả nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 27,8% so với cùng kỳ 2022 cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới. Tính đến ngày 20/5/2023, cả nước có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% so với cùng kỳ 2022 về số dự án và tăng 27,8% về số vốn đăng ký.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư, tháng 5 tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có nỗ lực lớn và có nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn chung sau COVID-19, Quốc hội, Chính phủ liên tiếp có ứng phó kịp thời, đưa ra các gói cứu trợ cho nên sự cầm cự đến bây giờ là rất tích cực, nhìn rộng ra thế giới nhiều nước tăng trưởng âm để thấy chúng ta đã nỗ lực như thế nào./.

HA.NV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/chu-dong-thao-go-kho-khan-giu-vung-on-dinh-kinh-te-639270.html