Chủ động tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến linh hoạt

Theo dõi chặt chẽ âm mưu của địch, Đảng ta nhận định Mỹ sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, trong đó sử dụng nhiều máy bay chiến lược B-52 đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng.

Trên cơ sở đó, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ yếu, tập trung mọi khả năng tiêu diệt máy bay B-52. Ngày 24-11-1972, kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 được Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn, xác định: Tập trung cao nhất lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, với đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52, quyết tâm bắn rơi B-52 tại chỗ. Tổng Tham mưu trưởng cũng ra lệnh cho Quân chủng PK-KQ hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu xong trước ngày 3-12-1972.

Bộ đội tên lửa và pháo cao xạ hiệp đồng tiêu diệt máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Thực hiện nhiệm vụ, Quân chủng PK-KQ huy động các lực lượng phòng không ba thứ quân trên toàn miền Bắc tham gia chiến dịch, nòng cốt là lực lượng của quân chủng, trong đó sử dụng tên lửa, máy bay MIG-21, pháo 100mm là lực lượng đánh B-52. Trên địa bàn Hà Nội, ta bố trí lực lượng mạnh, gồm: Sư đoàn Phòng không 361 với 3 trung đoàn tên lửa, 5 trung đoàn pháo cao xạ; cùng 226 đội bắn máy bay của dân quân tự vệ, được trang bị 741 khẩu pháo và súng máy các loại, trong đó có 4 đội trang bị 20 khẩu pháo 100mm có thể tham gia đánh B-52. Về lực lượng không quân, ta sử dụng 4 trung đoàn tiêm kích chiến đấu, bố trí ở các sân bay vòng trong và vòng ngoài, bảo vệ vùng trời Hà Nội. Ngoài ra, còn có Trung đoàn Tên lửa 267 (Sư đoàn Phòng không 365) và Trung đoàn Tên lửa 285 (Sư đoàn Phòng không 363), sẵn sàng điều động đến bảo vệ Hà Nội khi cần thiết.

Tại TP Hải Phòng, ta bố trí Sư đoàn Phòng không 363, gồm 2 trung đoàn tên lửa và 1 trung đoàn pháo cao xạ; lực lượng của Quân khu Tả Ngạn có 1 trung đoàn pháo cao xạ và 4 tiểu đoàn pháo cao xạ độc lập. Lực lượng phòng không dân quân có 90 đội, trang bị súng pháo các loại, trong đó có 12 khẩu pháo 100mm. Ngoài ra còn có lực lượng phòng không Sư đoàn 350 đóng quân trên địa bàn.

Trên địa bàn phía bắc đường 1, ta bố trí Sư đoàn Phòng không 375, gồm 1 trung đoàn tên lửa, 5 trung đoàn pháo cao xạ; 2 tiểu đoàn của Quân khu Tả Ngạn, 20 đội phòng không của dân quân tự vệ Hà Bắc (nay là Bắc Giang, Bắc Ninh); 2 trung đoàn pháo cao xạ của Quân khu Việt Bắc, trong đó có 2 đại đội pháo 100mm và 15 đội phòng không của dân quân tự vệ. Tại địa bàn phía nam Quốc lộ 1, ta bố trí Sư đoàn Phòng không 365 gồm 2 trung đoàn tên lửa, 5 trung đoàn pháo cao xạ cùng lực lượng phòng không Quân khu 4 và các tỉnh thuộc quân khu, sẵn sàng phối hợp chiến đấu.

Về lực lượng radar, ta sử dụng 4 trung đoàn và một số tiểu đoàn độc lập, bố trí thành 36 trạm, 111 đài quan sát, cả ở tuyến trước và tuyến sau, có thể phát hiện được máy bay địch ở chính diện và hai bên sườn, từ xa tới gần, phục vụ hiệu quả cho tác chiến và phòng tránh hạn chế tổn thất do địch đánh phá gây ra.

Được chuẩn bị sớm, quân và dân ta “không để Tổ quốc bị bất ngờ” đã kịp thời phát hiện, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của địch. Trong đợt 1 (từ ngày 18 đến 24-12), khi Mỹ huy động lực lượng lớn không quân gồm nhiều máy bay chiến lược B-52 và máy bay chiến thuật đánh phá vào Hà Nội, ta sử dụng các lực lượng của bộ đội tên lửa, phòng không, không quân và dân quân tự vệ, triển khai đội hình chiến đấu bảo vệ các mục tiêu, tạo thành hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, lưới lửa dày đặc, đánh trả quyết liệt địch, trong đó tên lửa và không quân là lực lượng chủ yếu đánh B-52.

Sang đợt 2 (từ ngày 26 đến 29-12-1972), địch huy động hàng trăm lần máy bay B-52, có máy bay chiến thuật yểm trợ đánh ác liệt vào Hà Nội theo 4 hướng. Địch thay đổi cách đánh, ta cũng chủ động, sáng tạo giải pháp đánh trả. Bộ đội phòng không, nòng cốt là các tiểu đoàn tên lửa bằng cách đánh tập trung nhiều tiểu đoàn vào một đường bay, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phát hiện và cản phá thành công mọi thủ đoạn nghi binh, đánh phá, gây nhiễu dày đặc của máy bay địch. Đặc biệt, trận đánh đêm 26 và ngày 27-12 là lớn nhất, cũng là trận then chốt quyết định của chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao, bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B-52. Phát huy thắng lợi, các lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội tiếp tục chiến đấu anh dũng, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần quyết định cùng quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của Mỹ ra miền Bắc.

Thành công trong 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, quyết tâm bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng đánh dấu bước phát triển đỉnh cao về nghệ thuật chiến dịch phòng không quy mô lớn nhất. Ta đã chủ động tổ chức, sử dụng hợp lý lực lượng phòng không ba thứ quân để đánh thắng các loại máy bay địch. Đặc biệt, ta sử dụng đúng tên lửa, không quân, pháo 100mm, trong đó chủ yếu là tên lửa đánh B-52 và sử dụng pháo phòng không bảo vệ tên lửa, đánh các loại máy bay khác đã phát huy được sức mạnh hỏa lực mạnh nhất để diệt đối tượng tác chiến chủ yếu là B-52. Cùng với thắng lợi của ta trên chiến trường miền Nam, thắng lợi trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mở ra thời cơ thuận lợi cho quân và dân ta tạo thế và lực mới, tiến tới mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chu-dong-to-chuc-su-dung-luc-luong-tac-chien-linh-hoat-527210