Chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, như: Tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi do mưa lũ bất thường, xâm nhập mặn... Để đối phó, Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.

QL18A, đoạn qua tổ 8, khu 6, phường Hà Tu, TP Hạ Long bị ngập lụt trong trận mưa ngày 28/5/2019. Ảnh: Minh Đức

QL18A, đoạn qua tổ 8, khu 6, phường Hà Tu, TP Hạ Long bị ngập lụt trong trận mưa ngày 28/5/2019. Ảnh: Minh Đức

Đến giờ, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn nhớ những trận mưa lụt lịch sử gây hậu quả lớn, như: Lũ quét và vỡ đập Đầm Hà Động ở Đầm Hà vào tháng 10/2014 gây cuốn trôi các đập thời vụ của xã Quảng Lâm, Quảng An và ngập lụt nhà cửa, ruộng vườn, đầm nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu ở Đầm Hà... Hay đợt mưa diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 cũng đã gây ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh khiến hơn 10.000 ngôi nhà, công trình giao thông bị hư hỏng, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu vực nguy cơ cao bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như có 459 vị trí sạt lở, ngập lụt nguy hiểm; tình trạng nhiễm mặn cũng đã diễn ra ở nhiều nơi, tập trung ở một số địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên... với khoảng 1.800ha đất bị xâm mặn.

Chính bởi vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu được tỉnh đặt ra rất sớm thông qua một loạt các văn bản chỉ đạo, như Quyết định 713/QĐ-UBND ngày 3/4/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Quảng Ninh giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Trên cơ sở này, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được tỉnh và các địa phương đẩy mạnh.

Các cơ quan, đoàn thể huyện Hải Hà ra quân trồng rừng ngập mặn tại xã Quảng Minh. Ảnh: Hữu Việt

Tỉnh đã tích cực huy động các tổ chức quốc tế hỗ trợ giúp Quảng Ninh ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hình thức vận động vốn ODA viện trợ không hoàn lại và sử dụng hình thức vay vốn ODA, vận động các tổ chức phi chính phủ vào cuộc trong trồng rừng ngập mặn, ngăn ngừa thảm họa, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả năng lượng, tái sử dụng, tái chế để hạn chế rác thải nhựa... Đến nay, tỉnh đã thực hiện 6 dự án hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời còn triển khai thực hiện nhiều dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ khác. Tính từ năm 2012 đến nay, tổng kinh phí thực hiện các dự án, kinh phí đối ứng vốn quốc tế về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh khoảng 336.814 tỷ đồng.

Tỉnh còn thực hiện khá tốt nội dung lồng ghép mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng được cập nhật thường xuyên. Các địa phương đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu, giống, cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu, như: Thử nghiệm trồng một số loại cây ăn quả theo công nghệ Đài Loan; trồng súp lơ chịu nhiệt; chuyển đổi gần 250ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm...

Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển nông nghiệp xanh để giảm phát thải khí nhà kính, như: Áp dụng xử lý chăn nuôi bằng hầm biogas; xử lý môi trường trong chăn nuôi bằng men sinh học, xử lý phân bằng công nghệ ép, tách phân... Việc giảm nhẹ phát sinh khí thải nhà kính còn được thực hiện tốt trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và xây dựng thông qua các mô hình sử dụng năng lượng mặt trời cho một số thiết bị điện dân dụng tại Vân Đồn, Cô Tô và một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long; thay thế hệ thống chiếu sáng cao áp từ bóng HID sang bóng đèn compact, đèn led. Việc sử dụng bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời hiện nay cũng đã phổ biến hơn đối với người dân.

Khu tái định cư cho các hộ di dời do sạt lở ở thôn Làng Ngang, xã Quảng An, Đầm Hà.

Để chủ động các phương án, điều kiện phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tỉnh đã chú trọng nâng cấp, cải tạo các hồ, đập. Trong số 179 hồ chứa nước thì có 27 hồ được nâng cấp cải tạo bảo đảm an toàn, 9 hồ đang thực hiện sửa chữa và nâng cao an toàn đập. Tỉnh còn dự kiến lắp đặt các trạm cảnh báo mưa lũ ở các hồ chứa quan trọng. Các đoạn đê biển, đê xung yếu, xây cống ngăn mặn được chú trọng; rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn được bảo vệ chặt chẽ. Tỉnh cũng đã xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng; chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất... trong đó có Đề án di dời tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025 với 558 hộ được di dời.

Mặt khác, công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh thông qua sinh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các trường; đưa vào nội quy cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, xã hội; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nhờ vậy, nhận thức của người dân về ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ người dân vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai đến nay đạt khoảng 95%. Mặc dù vậy, để việc ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phát huy hiệu quả thì vẫn rất cần sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp, các ngành và mỗi người dân.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201907/chu-dong-trong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-2447454/