Chủ động trước thời tiết

Chuyện 'sống chung với lũ' đã trở thành kỹ năng của người dân vùng đầu nguồn An Phú, Tân Châu từ hàng chục năm nay. Nếu trước đây, mỗi mùa lũ đến là nỗi ám ảnh với câu chuyện 'chạy lũ' để đảm bảo an toàn cho đời sống dân sinh và sản xuất, thì nay người dân luôn trong tâm thế 'chờ lũ' để tìm cơ hội phát triển sinh kế. Tuy nhiên, mùa lũ mỗi năm cứ diễn biến rất phức tạp, không theo quy luật, nên vấn đề đặt ra là người dân phải luôn ý thức đề phòng, tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống lũ và các diễn biến bất thường của thời tiết.

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang, đỉnh lũ cao nhất đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức báo động (BĐ) 1 (BĐ1 tại Tân Châu 3,5m, tại Châu Đốc 3m) vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2019. Tuy nhiên, mực nước thực đo ngày 15-9 tại Tân Châu là 3,54m (vượt BĐ1), thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là -0,48m, tại Châu Đốc 2,91m (dưới BĐ1), thấp hơn cùng kỳ -0,71m.

Hiện nay, mực nước ở huyện đầu nguồn An Phú đang lên nhanh. Để đảm bảo an toàn cho người dân, toàn huyện dự kiến tổ chức 35 điểm giữ trẻ, 12 tuyến đưa, rước học sinh, 64 chốt cứu nạn. Do lũ còn thấp nên các xã đang chuẩn bị thực hiện đưa, rước học sinh, tổ chức điểm giữ trẻ và trực chốt cứu hộ nơi xung yếu. Đối với sản xuất vụ thu đông, toàn huyện có 15 tiểu vùng, với 7.956ha, đã xuống giống dứt điểm (lúa 5.806ha, rau màu 837ha, cây lâu năm 1.313ha).

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện An Phú xảy ra 6 điểm sạt lở (trong 11 điểm cảnh báo) với chiều dài hơn 1.020m, ngang 5-10m, ảnh hưởng 12 hộ dân. Tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi thuộc các xã: Vĩnh Trường, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hội, Nhơn Hội…

Theo dự báo, lũ năm nay thấp ở mức BĐ1, tuy nhiên, ngoài lũ còn xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, giông lốc, sạt lở… nên các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường theo dõi, tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân.

Ngày 17-9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo các sở, ngành đã khảo sát tình hình triển khai công tác phòng, chống mưa lũ, bảo vệ sản xuất vụ thu đông, qua đó kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu An Phú nói riêng và các địa phương trong tỉnh cần tăng cường ứng phó với tinh thần chủ động cao nhất; phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản người dân. Yêu cầu vận dụng các phương án tập trung phòng, chống sạt lở (trong và sau lũ), có giải pháp bảo vệ những nơi xung yếu. Chủ động phương án “4 tại chỗ”, phối hợp chặt chẽ các lực lượng, đưa ra nhiều kịch bản để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết. Đặc biệt, tập trung tối đa việc phòng, chống đuối nước, bảo vệ an toàn tính mạng và sản xuất của người dân; thực hiện tốt các giải pháp đưa, rước và giữ trẻ an toàn mùa lũ. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tránh tâm lý chủ quan, ỷ lại và từng bước bố trí lại dân cư phù hợp theo địa hình cụ thể để ổn định cuộc sống lâu dài.

H.H

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/chu-dong-truoc-thoi-tiet-a254453.html