Chủ động, tự tin tiến vào EU

Hàng loạt chương trình, giải pháp đang được các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp triển khai tích cực nhằm giúp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tận dụng hiệu quả các lợi ích của Hiệp định EVFTA ngay khi hiệp định này có hiệu lực.

Những loại trái cây được canh tác theo các quy trình sản xuất an toàn sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường EU. Ảnh: N.H

Những loại trái cây được canh tác theo các quy trình sản xuất an toàn sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường EU. Ảnh: N.H

Doanh nghiệp chủ động

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, hiện thuế suất đối với gạo Việt Nam tại EU là 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm và 211 EUR/tấn với thóc. Sắp tới, theo cam kết của EVFTA, hạn ngạch đối với gạo xay xát và gạo thơm sẽ là 80.000 tấn, thuế trong hạn ngạch là 0%. Đặc biệt xu hướng tiêu dùng gạo ở EU đã tăng lên đạt mức trung bình là 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trước cơ hội lớn này, ông Bình cho biết, Công ty Trung An đã chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương
Trần Tuấn Anh:

Sẽ xây dựng sàn thương mại điện tử với EU

Sàn thương mại điện tử này sẽ bao gồm cả khu vực công, dịch vụ hành chính công, kể cả cấp C/O điện tử, cũng như các thủ tục hải quan, dịch vụ logistics, các hoạt động về chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử… để đảm bảo cho DN tiếp cận được các dịch vụ hành chính công của cả hai bên. Các DN nhỏ và vừa sẽ rất thuận lợi trong việc khai thác những lợi thế của sàn thương mại điện tử để có tăng trưởng đột biến tại thị trường EU.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, nhiều công ty đã chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ sở vật chất, năng lực để xuất khẩu vào EU như tài chính, nguồn nhân lực, nhà máy, công nghệ. Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, có thể truy xuất nguồn gốc, nhiều công ty đã quy hoạch được vùng nguyên liệu sạch, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Tương tự, nhiều DN xuất khẩu trái cây như Vina T&T Group, Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu cũng đã có sự đầu tư bài bản về vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Trong đó, Chánh Thu đang quản lý tới 25 mã số vùng trồng trái cây với diện tích khoảng 400 ha. Vùng nguyên liệu của Vina T&T cũng đang chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả phía Nam. Tất cả đều được canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGap, Global Gap. Đặc biệt, với kinh nghiệm xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản… sẽ là nền tảng vững chắc cho trái cây của Chánh Thu và Vina T&T chinh phục người tiêu dùng EU.

Bộ, ngành tích cực

Cùng với sự chủ động của các DN, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai các hoạt động cần thiết nhằm giúp các DN có sự chuẩn bị sẵn sàng nhất khi EVFTA có hiệu lực.

Tại hội nghị “Hỗ trợ DN tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” vừa được tổ chức tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thống nhất sẽ thành lập đoàn công tác để tiếp nhận các đề xuất từ DN, bằng hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, nhằm xử lý nhanh các vướng mắc để hỗ trợ DN xuất khẩu vào EU và tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Hai Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ đơn giản hóa các thủ tục liên quan để hỗ trợ DN nhanh chóng hưởng các ưu đãi từ hiệp định này. Theo đó, quan điểm chung là thực hiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu nhưng không làm tăng thêm thủ tục hay giấy phép con làm khó cho DN. Thậm chí, trong trường hợp Chính phủ chưa kịp thông qua, hai bộ cũng sẽ nghiên cứu có cơ chế tạm thời để hỗ trợ DN.

Riêng trong ngành nông nghiệp, ông Cường cho biết sẽ ban hành kế hoạch thực hiện riêng. Trong đó tập trung vào việc tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm theo các quy định quốc tế; xây dựng, hài hòa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU. Bộ NN&PTNT cũng thực hiện rà soát pháp luật trong quá trình thực thi để có đề xuất điều chỉnh bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Ngành nông nghiệp cũng triển khai mạnh mẽ việc xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm, áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) theo đúng quy định của EU. Đồng thời tập trung dỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam. Nhanh chóng triển khai Hiệp định VPA/FLEGT để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bền vững. Thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu, tăng cường đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng ưu đãi từ EVFTA, đặc biệt với nông, lâm, thủy sản đã qua chế biến.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA nhằm giúp các DN đáp ứng được các quy định về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi của hiệp định.

Tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đang xây dựng Đề án Phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để định hướng hoạt động xuất khẩu theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Mục tiêu là đưa thành phố thành trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam. Đồng thời cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng cao. Đó là định hướng để vừa giữ được tăng trưởng kim ngạch về xuất khẩu, vừa đa dạng hóa thị trường khó tính như EU. Đồng thời, TPHCM cũng đang xây dựng Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tạo nền tảng phát triển kinh tế và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của DN trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tích cực của cả phía Nhà nước và DN, ông Cường tự tin rằng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ “thắng” ở thị trường EU. “Trước đây thuế rất cao nhưng hàng Việt Nam vẫn vào được EU. Sắp tới khi EVFTA có hiệu lực, phần lớn dòng thuế sẽ về 0%, chắc chắn hàng hóa của ta sẽ “thắng đậm” hơn, đạt hiệu quả cao hơn nếu cả 3 khu vực Chính phủ, DN và nông dân đồng hành tốt với nhau” – ông Cường nói.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chu-dong-tu-tin-tien-vao-eu-129258-129258.html