Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Mưa bão, áp thấp nhiệt đới năm 2018 đến sớm trên Biển Đông. Điều này đã được chứng minh bằng áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngay trong tháng 1-2018. Các chuyên gia của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cho biết, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ mùa mưa năm nay có khả năng đến sớm hơn mọi năm…

Dự báo năm nay bão xuất hiện sớm kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.

1. Theo ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tháng 4 và tháng 5 là những tháng chuyển mùa, do vậy nhiều khả năng các hiện tượng dông, sét, tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nhiệt độ trung bình trong 3 tháng tới trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Không khí lạnh trong tháng 3 và tháng 4 vẫn tác động đến khu vực phía Bắc nhưng cường độ và tần suất sẽ giảm dần. Rét đậm, rét hại vẫn có khả năng xảy ra trong nửa đầu tháng 3, nhưng không kéo dài. Nắng nóng tại các khu vực trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn nhưng không kéo dài và gay gắt.

Từ tháng 3 đến tháng 4 tại khu vực Bắc Bộ, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30% cùng thời kỳ. Mùa mưa tại khu vực này có khả năng xuất hiện tương đương với trung bình nhiều năm. Khu vực Trung Bộ, lượng mưa tại khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong khi đó ở Tây Nguyên và Nam Bộ, trong thời kỳ tháng 3 vẫn là các tháng mùa khô. Tuy vậy, khu vực Nam Bộ vẫn tiếp tục có khả năng xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa, lượng mưa trong tháng có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến sớm, do đó từ nửa cuối tháng 4 lượng mưa có xu hướng tăng dần và tổng lượng mưa tháng 4, tháng 5 có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn từ 15 - 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng 3 đến tháng 5, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục có xu hướng giảm dần. Nguồn nước so với trung bình nhiều năm trên lưu vực sông Đà thuộc khu vực Tây Bắc có xu thế nhiều hơn từ 5-15%; trên lưu vực sông Thao, sông Lô và hạ lưu sông Hồng thuộc khu vực Việt Bắc thiếu hụt khoảng 10-30%.

Mực nước thấp nhất tại Hà Nội trên sông Hồng có khả năng ở mức 0,3-0,4m xuất hiện trong tháng 3-2018.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2017. Xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương cùng kỳ năm 2017.

2. Trong một diễn biến liên quan, Hội thảo khoa học với chủ đề “Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới của dự báo bão” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo dưới sự chủ trì của Ủy ban Bão quốc tế, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đã đăng cai tổ chức. Đây là hội thảo kỹ thuật chuyên ngành được Ủy ban Bão tổ chức định kỳ 4 năm một lần.

Trong hai ngày 26 và 27-2, hội thảo tiến hành 3 phiên họp toàn thể và 5 phiên họp song song được điều phối bởi 9 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu của Việt Nam và trên thế giới. Hơn 120 đại biểu quốc tế dự hội thảo cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thông qua hơn 40 báo cáo tham luận của các cơ quan khí tượng 14 nước, vùng lãnh thổ là thành viên Ủy ban Bão, các Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành hàng đầu về bão trên thế giới trong đó Việt Nam trực tiếp điều hành 2 phiên và tham gia 16 báo cáo.

Theo PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia: Hiện nay, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến tình trạng thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ. Theo báo cáo đánh giá giảm thiểu rủi ro toàn cầu, mặc dù thiên tai do thời tiết/khí hậu cực đoan gia tăng nhưng nhờ việc cung cấp thông tin khí tượng thủy văn kịp thời, đầy đủ hơn, chính xác hơn đã giúp cho công tác tổ chức phòng tránh tốt hơn nên thiệt hại về tính mạng con người có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu.

Bên lề hội thảo, ông Raymond Tanabe- Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương khẳng định, công tác dự báo cường độ bão hiện vẫn đang là bài toán khó với nhiều quốc gia, kể cả các nước có nền công nghệ tiên tiến nhất như Mỹ hay Nhật Bản.Theo ông Raymond Tanabe, khó khăn lớn nhất trong bài toán dự báo là dự báo cường độ bão. Mặc dù, tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều năm qua mới chỉ đạt được kết quả dự báo tốt ở về vị trí đổ bộ của bão, thời gian tác động của bão, còn dự báo về cường độ bão hầu như không có tiến triển gì nhiều.

Vì thế, theo ông Raymond Tanabe, việc quan trọng hiện nay là cần phải nâng cao công nghệ, đầu tư trạm quan trắc và khả năng truyền tải thông tin dự báo. Hiện tại, khoảng cách giữa các trạm quan trắc phụ thuộc vào địa hình của mỗi quốc gia. Quốc gia nào có nhiều đồi núi thì số lượng trạm quan trắc sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn, bởi thời tiết ở đỉnh núi và chân núi có sự khác biệt.

Chia sẻ về công nghệ và khả năng dự báo của Việt Nam, ông Trần Hồng Thái cho rằng, Việt Nam hiện đang tiếp cận rất nhiều công nghệ dự báo hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, trình độ dự báo củaViệt Nam vẫn còn gặp khó khăn so với các nước khu vực và quốc tế.

Một trong những khó khăn được ông Thái đưa ra là, hệ thống quan trắc của Việt Nam hiện còn thưa thớt, công nghệ lạc hậu, khiến quá trình tiếp nhận số liệu không đầy đủ, thiếu chính xác và không kịp thời.

“Tất nhiên, chúng ta mới tập trung đầu tư trong mấy năm gần đây, đang nâng cao trình độ cán bộ, cố gắng xây dựng công nghệ phù hợp, tiên tiến hơn nên chúng ta vẫn cần sự hỗ trợ và từng bước hoàn thiện về khả năng dự báo”- ông Thái nói thêm.

Tuấn Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/chu-dong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-tintuc397289