Chủ động ứng phó đại hạn

Nước lũ ở ĐBSCL đang rút dần và mùa lũ sắp đi qua. Năm nay, đỉnh lũ trên sông Tiền, sông Hậu ở mức báo động 1, nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa năm 2019 xuất hiện muộn trên sông Mê Công và lượng mưa cũng thiếu hụt. Tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công từ đầu mùa lũ thấp hơn 20%-25% so với trung bình nhiều năm, mực nước các trạm khu vực Thượng và Trung Lào cũng thấp; dung tích trữ ở Biển Hồ (Campuchia) đến tháng 10-2019 đạt gần 38 tỷ m³, thấp hơn cùng kỳ đến 13 tỷ m3. Trong khi đó, dung tích trữ của Biển Hồ là yếu tố quyết định đến việc điều tiết nước về ĐBSCL trong mùa khô nên trước tình hình trên, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn nhận định, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 sẽ diễn ra sớm và nặng hơn.

Mới đây, Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị số 8008/CT-BNN-TCTL về tăng cường các giải pháp thủy lợi phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020.

Cụ thể, do ảnh hưởng của tổng lượng mưa thấp nên dòng chảy trên các sông, suối từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2020 ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 20%-50%; khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhiều vùng trên cả nước. Để bảo đảm nguồn nước sản xuất và sinh hoạt, Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mặn, thiếu nước phù hợp.

Xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực nhằm đề ra giải pháp cụ thể. Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương theo dõi nguồn nước, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước thiếu hụt. Vấn đề quan trọng là nhanh chóng cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, không gieo trồng ở vùng không bảo đảm nguồn nước; đặc biệt khuyến khích nông dân chuyển đổi từ lúa sang các loại cây con khác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với hạn mặn.

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ chỉ gieo sạ hơn 1,63 triệu ha lúa đông xuân 2019- 2020, giảm 55.486ha; đồng thời sản xuất lúa ở những vùng có đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, hoặc tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa, nhằm tránh thiệt hại. Sở NN-PTNT các địa phương nhìn nhận, bài học khó khăn của vụ đông xuân 2015-2016 khi mặn về sớm gây thiệt hại tràn lan, nên vụ đông xuân 2019-2020 các địa phương sẽ gieo sạ sớm và sử dụng giống ngắn ngày nhằm tránh ảnh hưởng hạn cuối vụ, nhất là những vùng ven biển.

Các nhà khoa học đánh giá cao phương án giảm 55.486ha lúa đông xuân tới nhằm “né” hạn mặn, điều này hợp lý trong điều kiện giá lúa thấp, để chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản cho lợi nhuận cao hơn lúa gấp nhiều lần, đồng thời tiết kiệm nguồn nước tưới.

Đối với 52.700 hộ ở các địa phương ven biển ĐBSCL dự báo bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô tới, hiện các tỉnh chủ động nạo vét kênh mương tích trữ nước ngọt, xây thêm các công trình chứa nước, kéo dài tuyến ống đến những nơi bị thiếu nước, đầu tư cho người dân các bể lọc nước giếng khoan, bể chứa nước mưa... Trường hợp cấp bách không còn nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt thì ngành chức năng sử dụng các phương tiện lưu động chở nước ngọt cung cấp cho người dân. Ở Kiên Giang, dự phòng phương tiện thủy vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra các xã đảo, phục vụ dân trong trường hợp cấp bách.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, rút kinh nghiệm đợt hạn mặn năm 2016 gây thiệt hại lớn, năm nay tỉnh chủ động nạo vét kênh mương, trữ nước ngọt, đắp đập ngăn mặn… với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Mọi chuẩn bị đang gấp rút nhằm sẵn sàng ứng phó với thời điểm xâm nhập mặn cao dự kiến từ tháng 2 đến tháng 5-2020.

Trong 9 tháng đầu năm nay, thiên tai làm 116 người chết và mất tích, 164 người bị thương... tổng thiệt hại về tài sản 4.600 tỷ đồng. Các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang... bị thiệt hại nhiều nhất. Do đó, ngay từ bây giờ các địa phương cần chủ động giải pháp ứng phó với thiên tai và phòng chống hạn mặn; trong đó chú trọng phương án bảo đảm cấp nước cho sản xuất và an sinh xã hội khi vào cao điểm mùa khô…

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chu-dong-ung-pho-dai-han-624967.html