Chủ động ứng phó để vụ xuân thắng lợi

Đến nay, nhiều huyện trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thành cấy lúa xuân 2019, chuyển trọng tâm sang chăm sóc như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phúc Thọ… Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết khó lường, hiện tượng rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình các năm, nắng nóng cực đoan có thể xuất hiện sớm. Do vậy, đi đôi với sản xuất đúng khung thời vụ (kết thúc cấy lúa xuân xong trong tháng 2), các địa phương cần có giải pháp ứng phó nhằm đạt vụ xuân thắng lợi.

Hà Nội đã gieo cấy gần 61% diện tích vụ xuân

Tiến độ gieo cấy nhanh

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, đến nay, toàn huyện đã cấy xong diện tích lúa xuân, dự kiến hoàn thành cấy vụ xuân trong tháng 2-2019. Thời tiết nắng ấm, tiến độ gieo cấy lúa xuân của huyện khá thuận lợi, tuy nhiên, công tác chỉ đạo sản xuất của địa phương không chủ quan. Đến nay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời các yếu tố bất lợi trong sản xuất như: Thiếu nước tưới dưỡng, lúa bị nghẹt rễ, vàng lá; bị chuột, ốc bươu vàng gây hại... để có biện pháp chăm sóc, xử lý kịp thời.

Nông dân huyện Phú Xuyên đẩy nhanh tiến độ gieo cấy cho vụ xuân.

Nông dân huyện Phú Xuyên đẩy nhanh tiến độ gieo cấy cho vụ xuân.

Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, công tác gieo cấy vụ xuân khá thuận lợi. Bà Đoàn Thị Vĩnh ở thôn Võng Ngoại (xã Võng Xuyên) chia sẻ: Vụ xuân năm nay, việc lấy nước, làm đất, cấy lúa xuân của gia đình hết sức thuận lợi, rút ngắn thời gian được 5 ngày. Đến nay, gia đình đã cấy xong 9 sào ruộng và chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bởi thời tiết nắng ấm, lúa phát triển, đẻ nhánh nhanh...

Còn tại huyện Hoài Đức, vụ xuân này, toàn huyện gieo cấy 1.855ha, công tác lấy nước, chăm sóc mạ cũng khá thuận lợi. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Mai Lan, tiến độ cấy lúa xuân của huyện mới đạt khoảng 50% diện tích do các xã vùng đồng của huyện như Đức Giang, Sơn Đồng… là các xã làng nghề, diện tích cấy lúa phụ thuộc hoàn toàn vào nhân lực thuê ở các địa phương khác...

Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân 2019 toàn thành phố đạt 119.780ha, bao gồm: Lúa 97.870ha, phấn đấu năng suất đạt 62 tạ/ha, sản lượng 606.794 tấn; ngô 5.500ha, phấn đấu năng suất đạt 53 tạ/ha, sản lượng 29.150 tấn; rau các loại 9.700ha, phấn đấu năng suất đạt 215 tạ/ha, sản lượng 204.250 tấn… Đến nay, công tác sản xuất vụ xuân trên địa bàn thành phố bảo đảm tiến độ, nhiều địa phương kết thúc trước kế hoạch từ 3 đến 5 ngày; chỉ có số ít huyện tiến độ gieo cấy chậm, đạt từ 40% đến 60% diện tích như: Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Quốc Oai...

Chuyển trọng tâm sang chăm sóc

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận định: Năng suất cây trồng cao, ít sâu bệnh hại là mong muốn lớn nhất của nông dân trong vụ xuân này. Việc cơ cấu mùa vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất cần thiết. Đặc biệt cần có biện pháp ứng phó với thay đổi thất thường của thời tiết. Trong đó, cần tuân thủ khung thời vụ, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, với nắng ấm, cần có biện pháp chăm sóc phù hợp.

Do vụ xuân năm nay ấm hơn mọi năm là điều kiện thuận lợi sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, nhất là lùn sọc đen, đạo ôn, bọ trĩ, ốc bươu vàng, chuột... Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo và phân công các đơn vị kỹ thuật bám sát đồng ruộng, xử lý kịp thời các ổ bệnh; hạn chế thấp nhất thiệt hại do các dịch hại gây ra; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng, giải pháp kỹ thuật... qua phương tiện thông tin đại chúng để nông dân dễ nắm bắt và thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Xuân Đại, các địa phương cần mở rộng ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI); tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt cho lúa mới cấy và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Cụ thể, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến điều kiện thời tiết, khí hậu để chuẩn bị tốt phương án chống hạn; tổ chức lấy nước trữ vào các kênh tiêu, hồ, đầm...

Đối với công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh hại trong vụ xuân, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các hợp tác xã, nông dân thực hiện tốt một số biện pháp: Với vùng đã cấy, cần giữ nước đều mặt ruộng; bón thúc tập trung khi lúa ra rễ trắng và ra lá non; bón NPK chuyên thúc theo hướng dẫn của nhà sản xuất; theo dõi chặt chẽ diễn biến các ổ sâu bệnh...

Với vùng gieo vãi, gieo sạ, cần quy hoạch gọn theo vùng; tập trung làm đất kỹ, bảo đảm tưới tiêu chủ động, sử dụng phân chuyên lót NPK có hàm lượng lân cao... Đối với diện tích khó khăn về nguồn nước, cần tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi sang cây rau màu như: Ngô (ngô nếp, ngô ngọt, ngô chăn nuôi...), rau, lạc, đậu… ở chân ruộng cao hoặc vùng ruộng khó về nước tưới nhằm tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, tính đến 7h sáng 21-2, 5 công ty thủy lợi của thành phố đã cấp đủ nước làm đất, gieo cấy cho 89.359ha, đạt 97,9% kế hoạch sản xuất vụ xuân 2019; còn 2,1% diện tích, tương đương 1.883ha chưa đủ nước. Kế hoạch của Tổng cục Thủy lợi là đến 24h ngày 22-2, các hồ thủy điện sẽ kết thúc đợt xả nước thứ ba; khi đó, mực nước sông Hồng sẽ xuống thấp. Vì vậy, Chi cục Thủy lợi Hà Nội đề nghị các công ty thủy lợi vận hành toàn bộ trạm bơm có thể lấy nước để phục vụ diện tích còn thiếu nước gieo cấy và tích trữ trong hệ thống kênh mương, ao hồ, vùng trũng phục vụ tưới dưỡng lúa.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/927486/chu-dong-ung-pho-de-vu-xuan-thang-loi