Chủ động ứng phó không khí lạnh, mưa lớn và thời tiết nguy hiểm trên biển

Sáng nay 29/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh có văn bản yêu cầu chủ động ứng phó với không khí lạnh, mưa lớn và thời tiết nguy hiểm trên biển.

Từ chiều 30/11 đến 3/12, Quảng Nam đón không khí lạnh, khả năng xuất hiện mưa lớn. Ảnh: A.B

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Từ chiều tối 30/11 đến ngày 3/12 có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cường độ mưa to tập trung chủ yếu từ ngày 1-2/12.

Tổng lượng mưa phổ biến ở các địa phương vùng núi phía Tây Bắc tỉnh từ 50 - 120mm, có nơi trên 150mm; vùng đồng bằng và vùng núi phía Tây Nam phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm.

Nhiệt độ thấp nhất trong đợt gió mùa Đông Bắc phổ biến từ 19 - 21 độ C, vùng núi cao có nơi 18 - 20 độ C. Gió Đông Bắc cấp 3, ven biển cấp 4, giật cấp 5.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư; ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Trên biển, từ chiều tối 30/11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m, biển động mạnh.

Từ gần sáng ngày 1/12, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và phía bắc khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4,5m, biển động mạnh.

Để chủ động ứng phó với không khí lạnh, mưa lớn và thời tiết nguy hiểm trên biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết qua các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Rà soát, chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động phương án đảm bảo an toàn người và tài sản khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Bố trí lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Triển khai các biện pháp phòng chống rét đảm bảo an toàn cho người dân, cây trồng và vật nuôi.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở NN&PTNT, các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển. Thông báo kịp thời thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên biển, trên đảo và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; tàu vận tải, hoạt động du lịch trên đảo và ven biển.

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường theo dõi, kiểm tra, quan trắc các hạng mục công trình đầu mối các hồ chứa để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố (nếu có). Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa, thông tin kịp thời đến vùng hạ du và vận hành điều tiết hồ theo đúng quy định.

AN BÌNH

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/chu-dong-ung-pho-khong-khi-lanh-mua-lon-va-thoi-tiet-nguy-hiem-tren-bien-152244.html