Chủ động ứng phó thiên tai mùa mưa bão

Những năm gần đây, ảnh hưởng của mưa, bão đã gây thiệt hại cả về người và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu mùa mưa, bão, các cấp, ngành đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai.

Đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra thực tế thiệt hại do dông lốc trên địa bàn xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định

Đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra thực tế thiệt hại do dông lốc trên địa bàn xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, song do tình hình thiên tai trong mùa mưa bão diễn biến phức tạp những năm qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.

Thiệt hại lớn

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, những năm qua, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh và các huyện, thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp như: chủ động nắm bắt, dự báo tình hình; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống thiên tai; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường tuyên truyền, tổ chức diễn tập… Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa bão dẫn tới thiệt hại về người và tài sản cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Tính riêng từ năm 2022 trở lại đây, Lạng Sơn phải hứng chịu đợt thiên tai như rét đậm, rét hại, nắng nóng gay gắt và đặc biệt là ảnh hưởng của mưa lớn, giông lốc trong mùa mưa bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Do ảnh hưởng của thiên tai, trong 2 năm 2022 và 2023, trên địa bàn huyện đã có 2 người chết; 378 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập nước; trên 400 ha lúa bị ngập úng; 148 lồng cá bị thiệt hại; nhiều tuyến đường bị sạt lở; gần 300 m kênh mương thủy lợi bị vùi lấp...

Tương tự như tại huyện Văn Quan, mưa lớn kéo dài cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng. Cụ thể năm 2022, trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có 24 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 2.113 ngôi nhà bị ngập nước; nhiều công trình trường học, trung tâm y tế, trụ sở cơ quan bị hư hỏng; 1.559,6 ha hoa màu, rau màu bị thiệt hại, trong đó có 787,3 ha mất trắng; 6.030 m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; trên 13 km đường giao thông bị sạt lở; 69 cột điện bị gãy, đổ và 2.714 m dây điện bị đứt...

Cùng với 2 huyện Văn Quan và Chi Lăng, năm 2022, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 3 người chết, 3 người bị thương; 311 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 4.702 nhà bị ngập nước; 88 điểm trường bị ngập, hư hỏng nặng; sạt lở taluy dương tại các tuyến đường giao thông trên 38.000 m3 đất, đá… Ước tính tổng thiệt hại trên 710 tỷ đồng. Năm 2023, thiên tai trong mùa mưa bão có chiều hướng giảm song vẫn gây thiệt hại đáng kể. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những đợt mưa lớn trong tháng 6, tháng 8 và tháng 9 đã gây ra lũ trên các sông chính trên địa bàn tỉnh làm 1 người chết (do nước cuốn trôi); 301 hộ bị ảnh hưởng; 345 ha diện tích lúa, 470 ha rau màu, 20 ha diện tích nuôi thủy sản bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại ước tính trên 14,6 tỷ đồng.

Nhận định năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó lường, chính vì vậy, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua kiểm tra 161 hồ đập trên địa bàn tỉnh có 111/161 hồ chứa có kết quả đánh giá an toàn; 30/161 hồ có kết quả đánh giá cơ bản an toàn và 20/161 hồ có kết quả đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế, cơ quan chuyên môn đã phát hiện 12 đập bị thấm, trong đó có 4 đập bị thấm nặng; 12 đập bị biến dạng mái đập; 5 tràn xả lũ bị nứt; 16 tràn xả lũ bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng...

Để đảm bảo an toàn công trình hồ, đập mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, khi có mưa, lũ cử cán bộ trực 24/24 giờ tại công trình, nhất là các công trình xung yếu; tăng cường kiểm tra các công trình hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; chủ động nạo vét, khơi thông tràn xả lũ, hạ thấp mực nước hồ để đảm bảo an toàn.

Đồng bộ giải pháp

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện mưa dông, sấm sét gây mưa lớn kèm gió lốc gây tốc mái trên 1.300 nhà (phần lớn thiệt hại dưới 30%); 1 ngôi nhà bị sét đánh vào đường dây điện gây cháy nhà; 388 ha hoa màu, 14 ha cây trồng lâu năm bị ngập úng; 144 con trâu, bò, ngựa, 87 con lợn bị chết… Tổng thiệt hại ước trên 10 tỷ đồng.

Theo bản tin dự báo, cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ tháng 5 đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lượng mưa có thể tương đương với trung bình nhiều năm, riêng tháng 9 lượng mưa cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm; có khả năng xuất hiện các đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1, các sông, suối nhỏ ở mức báo động 1 đến báo động 3 dẫn tới nguy cơ ngập úng cầu tràn, cầu tạm, sạt lở đất, ảnh hưởng các công trình… Trước dự báo diễn biến thời tiết nguy hiểm như vậy, các cấp, ngành liên quan đã và đang tập trung triển khai các giải pháp để phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão đạt kết quả cao nhất.

Sạt lở đất tại xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan vào tháng 5/2024

Sạt lở đất tại xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan vào tháng 5/2024

Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai; tiếp tục rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra công tác PCTT&TKCN; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, phổ biến nhất là mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá...

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị để thực hiện tốt kế hoạch tập huấn lái xuồng, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5 kéo dài đến đầu tháng 6/2024); tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tràng Định năm 2024 (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 8/2024). Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết; thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, nhanh chóng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai tại cơ sở…

Cùng với sự chủ động của tỉnh, các huyện, thành phố cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024. Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa bão năm 2024, ngay từ đầu năm, huyện Chi Lăng đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đối với công tác PCTT&TKCN. Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị; triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể đối với một số loại hình thiên tai; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTT bằng nhiều hình thức; tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác PCTT tại cơ sở để xác định các điểm xung yếu, nguy hiểm và có cảnh báo kịp thời; xây dựng các phương án khắc phục khi xảy ra sự cố; tập trung thực hiện công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”…

Không chỉ huyện Chi Lăng, hiện nay các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN năm 2024. Bên cạnh sự chủ động triển khai các biện pháp PCTT&TKCN, các cấp, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định về PCTT.

Bên cạnh sự chủ động của các cấp, ngành, người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão. Ông Triệu Văn Vượng, khu phố Minh Sơn, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi nuôi 5 lồng cá trên sông Tu Đồn. Để chủ động ứng phó với mưa lũ trong mùa mưa bão, gia đình tôi đã chủ động gia cố lại lồng bè; sẵn sàng trực khi có mưa lũ xảy ra để chủ động di chuyển lồng cá vào sát bờ, tránh bị ảnh hưởng bởi dòng chảy gây hỏng lồng và thiệt hại tài sản.

Mùa mưa bão năm 2024 đang đến và dự báo thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp. Tin tưởng rằng với sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành và sự chủ động của người dân, công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân.

TÂN AN - CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chu-dong-ung-pho-thien-tai-mua-mua-bao-5008568.html