Chủ động ứng phó trước thời tiết diễn biến phức tạp

Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, hiện nay đang bước vào cao điểm mùa mưa nên thường xảy ra mưa lớn, gió mạnh hay các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông lốc, ngập lụt, sạt lở đất ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Đường Bùi Văn Hòa đoạn qua khu vực vòng xoay Cổng 11 (TP.Biên Hòa) ngập nặng sau những cơn mưa lớn. Ảnh: T. Hải

Đường Bùi Văn Hòa đoạn qua khu vực vòng xoay Cổng 11 (TP.Biên Hòa) ngập nặng sau những cơn mưa lớn. Ảnh: T. Hải

Liên tục những ngày qua, các cơn mưa lớn và kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa bị ngập nặng, một số tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở. Điều đáng nói các cơn mưa lớn thường xảy ra vào buổi chiều, kéo dài đến thời điểm tan tầm nên xảy ra ùn tắc giao thông, kẹt xe cục bộ trên nhiều tuyến đường trong thành phố.

* Khổ vì nước ngập, đường hư

Dự báo trong ngày 19, 20-9, thời tiết Đồng Nai tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to.

Một số tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa khiến người dân “ám ảnh” khi đi qua trong những cơn mưa lớn như: đường Đồng Khởi (khu vực trước Sở Tài nguyên - môi trường, cầu Đồng Khởi, ngã ba Trảng Dài), đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua Công viên 30-4), quốc lộ 1 (gần Bệnh viện đa khoa Thống Nhất)... Vì tình trạng ngập nước rất nặng nề, nhiều người dân phải vất vả lội nước bì bõm để về nhà, có trường hợp còn bị trôi cả xe máy...

Ông Cao Văn Lập (ngụ KP.3, phường Trảng Dài) làm nghề chạy xe tải cho biết, hôm nào trời mưa lớn, tuyến đường Đồng Khởi (đoạn từ cầu Đồng Khởi đến ngã ba Trảng Dài) cũng xảy ra kẹt xe, ngập nước. Nước dâng cao quá bánh xe, tràn vào máy khiến nhiều xe ô tô không đi được, dừng lại trên đường khiến tình trạng kẹt xe thêm căng thẳng và kéo dài nhiều giờ.

Mưa lớn không chỉ làm ngập nước, kẹt xe mà còn khiến nhiều đoạn đường trong TP.Biên Hòa, nhất là các con đường dân sinh bị hư hỏng, sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người dân.

Đường Đồng Khởi đoạn qua phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) ngập nặng sau mưa lớn . Ảnh: T. Hải

Cụ thể như cơn mưa lớn xảy ra trên diện rộng vào chiều 16-9 khiến mặt đường của quốc lộ 1 đoạn qua KP.11, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) bị nước cuốn trôi lớp nhựa đường tạo thành một “ổ voi” rộng khoảng 5m. Gần vị trí trên cũng xuất hiện một số điểm có nguy cơ sụt lún, rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông qua đây. Ngay sau khi xảy ra hiện tượng trên, đơn vị chủ đầu tư tuyến quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa đã tiến hành sửa chữa, dặm vá các vị trí bị sụt lún nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

Ngoài ra, tại tuyến đường tránh TP.Biên Hòa, khu vực qua cầu vượt đường sắt (thuộc xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cũng bị hỏng, xuất hiện một số “ổ gà” khiến nhiều người đi xe máy té ngã.

Với những tuyến đường dân sinh lâu nay, vốn đã xuống cấp trên địa bàn TP.Biên Hòa như đoạn đường dẫn vào khu dân cư Đinh Thuận (phường Tân Hiệp), đường Nguyễn Thái Học (qua KP.4, phường Trảng Dài), đường Yết Kiêu (thuộc KP.1, phường Long Bình)… thì sau mưa lớn lại càng hư hỏng nặng nề hơn. Mặt đường chi chít các “ổ gà”, “ổ voi” trở thành những cái “bẫy” nguy hiểm, rình rập người đi đường.

* Đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm

Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, những ngày vừa qua trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện các đợt mưa lớn và kéo dài, chủ yếu do dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp đang hoạt động tại khu vực phía Nam biển Đông đã kích thích gió Tây Nam mạnh lên gây mưa, gió lớn cho khu vực.

Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Bùi Hữu Huệ cho biết thêm, nguy cơ lũ cục bộ, ngập lụt sẽ xảy ra ở vùng trũng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Thời gian xảy ra mưa lớn tập trung vào chiều tối và tối nên tại những khu vực xung yếu, nước chảy mạnh các phương tiện phải lưu thông cẩn thận. Người dân hạn chế qua lại để tránh tình trạng bị nước cuốn trôi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều nhà dân tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú) ngập sâu trong nước phải di dời đến nơi an toàn trong đợt lũ lớn xảy ra vào ngày 11-8. Ảnh: Tố Tâm

Ngày 17-9, Công ty thủy điện Trị An đã tiến hành xả nước điều tiết qua đập tràn để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, duy trì mực nước hồ chứa theo quy định. Sau khi tiến hành xả tràn, tùy tình hình diễn biến của thời tiết phía Công ty thủy điện Trị An có thể tiếp tục thay đổi lượng nước qua đập tràn. Do đó, người dân vùng hạ du hồ chứa chủ động có biện pháp phòng ngừa, tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua rà soát từ các địa phương đã ghi nhận một số khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai. Cụ thể, ngập lụt tại các xã: Đắc Lua, Thanh Sơn (huyện Tân Phú); Thanh Sơn (huyện Định Quán). Các hiện tượng như: dông, lốc xoáy thường xảy ra tại một số xã thuộc các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa...

Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Nai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, để giảm thiệt hại do thiên tai xuống mức thấp nhất, các địa phương phải chủ động trong công tác phòng chống lụt bão và thiên tai; đồng thời, lên phương án phòng chống, rà soát lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để đảm bảo an toàn cho người, tài sản khi thiên tai xảy ra.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201909/chu-dong-ung-pho-truoc-thoi-tiet-dien-bien-phuc-tap-2964594/