Chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, hàng loạt các FTA được thực thi, đồng thời với việc mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu thì doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, việc giảm nguy cơ, rủi ro thiệt hại từ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Doanh nghiệp đã có ý thức phòng vệ thương mại khi tham gia xuất khẩu. Ảnh: TL

Ông Chu Thắng Trung

PV: Nhiều doanh nghiệp đang gặp áp lực từ việc giảm sút đơn hàng do suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi đó các quốc gia nhập khẩu hàng hóa gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ông đánh giá thế nào về tình hình này?

Ông Chu Thắng Trung: Tổng số các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do các nước khởi kiện tính đến nay là 234 vụ việc. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ tác động tới xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp xử lý không tốt, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Mặt khác, nếu bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao đối với một doanh nghiệp cụ thể có thể làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh, đe dọa sự phát triển của doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả dự báo từ sớm, từ xa

Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) sẽ nâng cao hiệu quả công tác dự báo từ sớm, từ xa, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra PVTM. Công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về PVTM cũng sẽ được tăng cường nhằm nâng cao năng lực PVTM cho các doanh nghiệp.

Còn ở cấp độ quốc gia, nếu nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong cùng một ngành bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, ngành sản xuất đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, có thể kéo theo những tác động kinh tế, xã hội tiêu cực đối với nhiều ngành sản xuất khác có liên quan cũng như đối với các địa phương có cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, năng lực ứng phó của doanh nghiệp trước các vụ điều tra PVTM của nước ngoài bộc lộ một số hạn chế như đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nắm rõ về pháp luật, các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra về PVTM…

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về hạn chế của doanh nghiệp khi đối mặt với các vụ việc liên quan đến điều tra PVTM?

Ông Chu Thắng Trung: Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.

Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy… cũng đối diện với việc bị điều tra PVTM.

Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp đã có ý thức đối với PVTM khi tham gia xuất khẩu, nhưng có những hạn chế cần có thời gian khắc phục để hoàn thiện. Hạn chế lớn là nhiều doanh nghiệp thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp để có thể theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt; hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện.

Hơn thế, việc tham gia điều tra đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực tài chính cũng như con người trong thời gian khá dài (thường là hơn 1 năm). Ngoài ra, còn có những trở ngại khác như ngôn ngữ, những yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu... phục vụ điều tra từ cơ quan điều tra nước ngoài.

PV: Thưa ông, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM, cơ quan nhà nước đã có hành động cụ thể ra sao?

Ông Chu Thắng Trung: Từ thực tiễn đặt ra, công tác cảnh báo sớm đã và đang được Cục PVTM đẩy mạnh, đồng thời coi đây là một trong các hoạt động trọng tâm.

Chúng tôi thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Các hoạt động này đã đưa ra dự đoán tương đối chính xác, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả trong nhiều vụ việc.

Bên cạnh việc đưa ra các cảnh báo xuất khẩu, công tác cảnh báo sớm, chúng tôi triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về PVTM một cách tổng quát và chuyên sâu cho các đối tượng liên quan như doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại trung ương và địa phương…

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Văn Phụ

Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam:

Tập huấn nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế

Từ đầu năm đến nay thì ngành nhôm cũng liên tục đối mặt với 4 vụ việc PVTM khiến các doanh nghiệp Việt Nam chịu rất nhiều áp lực, trong khi đó, kinh nghiệm ứng phó và tham gia các vụ việc PVTM vẫn còn rất ít, kinh nghiệm hạn chế.

Để ứng phó với các vụ kiện PVTM, Hiệp hội Nhôm Việt Nam chủ động phối hợp với Cục PVTM, tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp ngành nhôm để nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, về cách xử trí trong PVTM khi bị các nước kiện hay áp thuế bán chống phá giá. Qua đó các doanh nghiệp cũng hiểu sâu hơn về ứng phó trong các tình huống đó và có các phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp, đặc biệt là cũng sẵn sàng để chuẩn bị các dữ liệu tham gia vào các vụ kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Đặc biệt, hiệp hội khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất là không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về PVTM là rất lớn.

Bà Nguyễn Thu Trang

Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI: Cần sự trợ lực hữu hiệu từ các cơ quan chức năng

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thì các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa Việt Nam sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Các vụ kiện này tiếp tục gia tăng khi kim ngạch xuất khẩu hàng Việt tăng nhanh, trong đó có cả việc áp thuế carbon.

Bản chất của những vụ kiện về PVTM ở nước ngoài là những cuộc đấu tranh pháp lý, cần có những người tham gia chuyên nghiệp và doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp về mặt pháp lý, tư vấn về mặt kinh tế. Trong khi đó sự hiểu biết và năng lực của doanh nghiệp có nhiều hạn chế.

Điều này cần có sự trợ lực hữu hiệu từ các cơ quan nhà nước, trong việc giảm nguy cơ, rủi ro bị điều tra, áp dụng PVTM từ hoạt động cảnh báo sớm, tập huấn, trang bị kiến thức cho doanh nghiệp./.

Trịnh Hải

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-dong-ung-pho-voi-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-140376.html