Chủ động ứng phó với thách thức để hội nhập hiệu quả

Tình hình kinh tế thế giới hiện nay diễn biến phức tạp với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay quá trình nước Anh rời EU (Brexit),... tạo ra sự bất định chính sách ngày càng lớn, nguy cơ tác động sâu sắc nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp nhằm giảm tác động tiêu cực cũng như tận dụng tốt cơ hội để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả.

Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất veston xuất khẩu tại Xí nghiệp may Hưng Hà (Tổng công ty May 10). Ảnh: MINH HÀ

Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất veston xuất khẩu tại Xí nghiệp may Hưng Hà (Tổng công ty May 10). Ảnh: MINH HÀ

Tranh chấp thương mại leo thang

Tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế đang trở nên thường xuyên và gây lo ngại hơn bao giờ hết. Ðáng chú ý, cạnh tranh, cọ xát đã không chỉ giới hạn trong các vấn đề thương mại cụ thể, mà còn lan cả sang các lĩnh vực như an ninh, chiến lược, xây dựng luật lệ… Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định: Mặc dù mới đây, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm thời ngừng áp đặt thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, song kết cục cọ xát thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, rủi ro đối với kinh tế toàn cầu, cả trên thực tế và tâm lý vẫn còn rất lớn. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các xung đột thương mại sẽ khiến giao dịch thương mại toàn cầu chịu thiệt hại nặng nề, dự báo giảm khoảng 3% và 5% lần lượt vào năm 2018 và 2019. Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu xảy ra kịch bản xấu nhất là chiến tranh thương mại toàn diện, GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5%, tương đương khoảng 430 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, các nỗ lực thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế ở cấp khu vực, nhiều bên và song phương vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, cạnh tranh địa chiến lược giữa các siêu cường kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thiết kế và đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quốc tế. Xu hướng này càng rõ hơn ở các vấn đề mới, chẳng hạn như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ... Do vậy, cân nhắc và quyết định tham gia đàm phán mỗi FTA đang trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với các nước đang phát triển. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ, các rủi ro như nợ công, tỷ giá cùng những căng thẳng chính trị, xung đột... cũng tác động không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ðáng chú ý là xu hướng bảo hộ xuất phát từ một số nền kinh tế phát triển đang có tác động lan tỏa đến toàn hệ thống các mối quan hệ kinh tế, thương mại ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Cơ hội và thách thức với Việt Nam

Những xu thế, diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng. Thứ trưởng Công thương Ðỗ Thắng Hải nhận định: Việc xử lý hài hòa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định là không dễ. Các nghiên cứu cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm. Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, khi cuộc chiến này kéo dài cũng sẽ khiến làn sóng bảo hộ lan truyền sang các thị trường khác. Khi đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Quan trọng nhất là thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn nếu quá tập trung vào xử lý tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nói riêng và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nói chung. Trong khi ấy, chậm trễ trong cải cách có thể ảnh hưởng động lực phát triển của doanh nghiệp cũng như khả năng bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ðồng quan điểm, PGS, TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: Là đất nước có nền kinh tế với độ mở lớn, mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc sâu thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương do những biến động tiêu cực trên toàn cầu. Khi đó, nếu chúng ta mải mê với cơ hội ngắn hạn hay tư duy bảo hộ, có thể làm tổn hại tầm nhìn lâu dài cũng như cách ứng phó chiến lược với các thách thức và cơ hội mà tình thế đổi thay mang lại. Rõ ràng, những thách thức từ chuyển biến hiện nay trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng, tác động tất cả các nước, nhất là các quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam. Song chúng ta cũng đang có những vận hội mới không hề nhỏ để tiếp tục hội nhập, phát triển đất nước.

Theo Thứ trưởng Ðỗ Thắng Hải: Những xu thế mới về thương mại sẽ còn tiếp diễn, ít nhất trong trung hạn. Do đó, để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản chi tiết để ứng phó biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của các nền kinh tế chủ chốt. Bên cạnh đó, phải chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, bảo đảm có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hóa xuất, nhập khẩu, ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới. Mặt khác, khuyến khích, kêu gọi tinh thần chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới cũng như cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó xác định yêu cầu điều chỉnh chiến lược sản xuất - kinh doanh, nhất là chú trọng tới việc chuyển đổi, cập nhật công nghệ mới. Cuối cùng, cần tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hội nhập của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chính là yếu tố mang tính chất quyết định để hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới theo đúng tinh thần: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới đang ngày một leo thang, Việt Nam cần tăng cường khả năng đối phó của kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam phải cải cách sâu rộng thương mại và đầu tư, bao gồm đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan gây méo mó thương mại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tăng cường chiều sâu hội nhập quốc tế cũng như cam kết ủng hộ cải cách hệ thống quản trị thương mại toàn cầu.

Tiến sĩ S.Se-ti

Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38522602-chu-dong-ung-pho-voi-thach-thuc-de-hoi-nhap-hieu-qua.html