Chủ động ứng phó với thiên tai

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí hậu ở nước ta xảy ra bất thường, khó định đoán, thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thực tế đòi hỏi chúng ta cần chủ động thích ứng và có kế hoạch, giải pháp ứng phó nhanh với thiên tai hơn bao giờ hết.

Ninh Thuận đang phải gồng mình ứng phó với đợt hạn kỷ lục. Ảnh: Bích Nguyên

Ninh Thuận đang phải gồng mình ứng phó với đợt hạn kỷ lục. Ảnh: Bích Nguyên

Thiên tai khốc liệt, thiệt hại nặng nề

Trong 4 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 12 đợt không khí lạnh và gây ra 4 đợt rét đậm, rét hại. Đáng chú ý, đợt rét đậm, rét hại từ ngày 23 đến ngày 28-1 có cường độ rất mạnh, nhiệt độ thấp nhất lịch sử ở nhiều nơi đã được ghi nhận. Đợt rét đậm, rét hại này cũng đã gây ra băng giá trên diện rộng ở các tỉnh Bắc bộ, nhiều nơi ở độ cao trên 800m so với mực nước biển đã xuất hiện mưa tuyết. Cá biệt một số nơi lần đầu tiên có mưa tuyết như Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Hòa Bình), Kỳ Sơn (Nghệ An).

Trong khi đó, do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng ở miền Đông Nam bộ xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm ngay từ cuối tháng 1. Từ giữa tháng 3 đến nay, nắng nóng đã xuất hiện hầu như liên tục và lan rộng ra các tỉnh miền Tây Nam bộ. Cũng trong tháng 3 và 4, mỗi tháng xuất hiện 1 đợt nắng nóng diện rộng trên khu vực Tây Nguyên kéo dài từ 6-8 ngày. Tại Ayunpa (Gia Lai), nhiệt độ cao nhất ghi được là 41,30C. Đến tháng 4, nắng nóng xuất hiện trên khu vực phía Tây Bắc bộ và Trung bộ. Nhiệt độ ở một số nơi đã vượt mức lịch sử như: Ba Tơ (Quảng Ngãi): 41,40C; Hoài Nhơn (Bình Định): 40,20C. Vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện khô hạn và xâm nhập mặn chưa từng có trong lịch sử. Mặn xâm nhập sâu vào đất liền 40km, thậm chí có nơi tới 90km, độ mặn có nơi lên đến 50 phần nghìn.

Thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) cho thấy, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương; gần 500.000 hộ dân bị thiếu nước, hàng ngàn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị thiệt hại; 64.000 con gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 4 tháng đầu năm 2016 ước tính gần 10.000 tỉ đồng, lớn hơn tổng thiệt hai do các loại thiên tai trên cả nước năm 2015.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo thủy văn Trung ương cho biết, sau hiện tượng EL Nino, cuối năm nay ở nước ta lại xuất hiện La Nina gây mưa nhiều. Xu hướng thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều diễn biến bất thường. Thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015. Bão, áp thấp nhiệt đới được dự báo di chuyển chủ yếu theo hướng Tây sẽ gây nguy cơ nước dâng ven bờ cao hơn các hướng khác. Ngoài ra, các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm 2016.

Chủ động kế hoạch ứng phó nhanh và bền vững

Rõ ràng là thời tiết, khí hậu nước ta đang có những diễn biến phức tạp, bất thường để lại những hậu quả nặng nề trước mắt và cả lâu dài. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nhận định, bên cạnh việc ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, từ giờ đến cuối năm phải đối phó với tình trạng mưa đến muộn hơn nhưng cường độ lớn hơn. "Do mưa lớn hơn trung bình nhiều năm nên lũ và lũ quét có thể xảy ra nhiều nơi. Phải liên tục dự báo thời tiết để có sự chủ động chuẩn bị ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường năng lực phòng chống thiên tai từ thể chế, cơ sở hạ tầng, đến nguồn lực. Bộ máy chỉ đạo PCTT từ cơ sở phải được tăng cường liên tục và "vận hành" một cách nhuần nhuyễn" - Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu.

Có hai vấn đề Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý các địa phương, thứ nhất là, sau El Nino thường có mưa nhiều và bão lớn hay đổ bộ vào các tỉnh phía Nam và từng gây hậu quả rất nặng nề. Trong lịch sử nước ta đã từng ghi nhận đợt El Nino mạnh năm 1997. Khi đợt El Nino này chấm dứt, nước ta phải hứng chịu cơn bão Linda lịch sử đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ làm chết và mất tích hơn 3.000 người.

Thứ hai là sau bão thường có mưa và lũ lớn. Thực tế, thiệt hại về người và vật chất chủ yếu mưa lũ sau bão, do nhiều địa phương còn chủ quan. Vì vậy, cần rà soát dân cư sống ven sông suối, khu vực dễ bị sạt lở đất, nguy hiểm, có phương án di dời dân cư tới nơi an toàn, đồng thời bố trí lực lượng canh gác các đập chắn, ngầm tràn, có biển báo để cảnh báo người dân.

Nhìn ở góc độ vĩ mô và dài hạn, để giảm thiểu rủi ro do thiên tai, chúng ta cần tăng cường bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với thiên tai thay vì bị động. Sự chủ động được thể hiện ở chỗ mỗi người dân cần có tinh thần tự phòng tránh, tự thích ứng với biến đổi khí hậu và tự cứu mình là chính. Muốn vậy, mỗi người dân cần được trang bị đầy đủ kiến thức, khả năng nhận biết và kỹ năng PCTT. Ở cấp độ quốc gia, cần xây dựng các công trình, mô hình PCTT hiệu quả.

Cụ thể, trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp và cực đoan, cần rà soát quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để điều chỉnh kịp thời, chủ động ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra; đồng thời vẫn đảm bảo được phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương, bộ, ngành cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong PCTT phục vụ hỗ trợ chỉ đạo, ứng phó thiên tai. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai và năng lực PCTT cho lực lượng tham gia công tác PCTT, tìm kiếm, cứu nạn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, sẽ ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách, nguồn vốn ODA để hỗ trợ các địa phương, bộ, ngành kịp thời khắc phục hậu quả và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung: Lũ, bão, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở... Đồng thời, tích cực hợp tác để huy động các nguồn lực quốc tế vào các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai/