“Chú Hải” của Tế Hanh

Những ai yêu mến Hàn Mặc Tử chắc đều biết chuyện này: Lúc nhà thơ mắc bệnh nan y, có một người luôn theo sát ông để giúp đỡ trong việc sinh hoạt hàng ngày của thi nhân, đó là chú Hành.

Bích Khê cũng có một người tình nguyện “nâng khăn sửa túi”, dọc ngang trên sông Trà rồi ra tận cửa biển Sa Kỳ, chỉ để làm mỗi một việc là nghe chàng thi sĩ tài hoa ấy… đọc thơ. “Bóng hồng” ấy, sau khi lỗi hẹn với một lời thề, đã thất điên bát đảo, có lúc người ấy toan quyên sinh để giữ trọn tình yêu của mình. Và Tế Hanh, cũng có một người, người ấy “chọn” ông chứ ông không hề “chọn” như Hàn Mặc Tử hoặc Bích Khê. Người đó là “chú Hải”. Tôi không nhớ họ anh mà chỉ nhớ tên, trong một cuộc gặp tình cờ tại nhà riêng Tế Hanh ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội cách đây bốn năm. Thi thoảng ra Hà Nội, tôi thường ghé thăm nhà thơ. Ngoài sự ngưỡng mộ của kẻ hậu sinh đối với bậc tài danh, tôi với ông còn là đồng hương Quảng Ngãi, lại có một vài kỷ niệm vui vui. Năm 1988, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình có làm tuyển tập “Thơ Tế Hanh”, tôi được giao nhiệm vụ là liên hệ với nhà thơ để xin tấm ảnh. Tôi viết một bức thư ngắn gửi ông, ngoài việc giới thiệu với ông rằng tôi cũng là người Quảng Ngãi, đầy chất “thấy người sang bắt quàng làm họ”, tôi còn khoe với ông rằng tập thơ ấy có cái bìa rất đẹp, in rất hoành tráng, giờ cần một tấm ảnh thật “xinh trai” của bác nữa là xong. Tôi cũng ba hoa thế cho sướng miệng thôi, nào ngờ, đúng nửa tháng sau, tôi nhận một bức thư kèm tấm ảnh thời trai của ông, đẹp đến ngỡ ngàng, kèm một lời dặn: “In xong, anh nhớ gửi trả tôi tấm ảnh này!”. Sách thì đã in xong trước ngày tách tỉnh (1989), nhuận bút của ông thì Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình cũng đã gửi rồi, riêng tấm ảnh của ông, tôi giấu biệt! Mãi đến năm 1998, tức 10 năm sau cái lần “gian dối” ấy, tôi gặp lại ông tại Quảng Ngãi. Ông về quê để người ta ghi hình cho bộ phim về ông. Tôi “bám càng” chuyến đi ấy và không quên nhắc lại chuyện cũ. Tôi đã gửi trả lại ông tấm ảnh của 10 năm trước rồi chứng kiến cảnh nhà thơ “gặp lại” chính mình trong bức ảnh ấy như thế nào! Tế Hanh thời trẻ Đôi mắt của Tế Hanh bấy giờ hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa. Ông chỉ cảm nhận “tuổi hoa niên” của mình trong bức ảnh bằng những ngón tay nhăn nheo của tuổi sắp “bát tuần”. Rồi ông cười hồn nhiên: “Anh giữ cẩn thận quá, hể?”. Chữ “hể” ấy, đặc quánh Quảng Ngãi! Tôi nghĩ, Tế Hanh là người sống bằng cảm giác hơn là trực giác. Những bài thơ hay nhất của ông là kết quả của những cảm giác hết sức tinh tế của nhà thơ. Có thể xem lần ấy là chuyến trở về cuối cùng của Tế Hanh để gặp lại con sông quê hương và nói một lời từ biệt. Đúng một năm sau, nhân kỷ niệm 40 năm mở đường Trường Sơn, ngày 19.5.1999, trong lúc đọc thơ tại buổi gặp gỡ với những nhân chứng Trường Sơn, Tế Hanh đột quỵ, rồi nằm bất động từ bấy cho đến giờ. Tôi ghé thăm nhà thơ và chứng kiến cảnh tượng quá xót lòng: Ông một phòng riêng, nằm bất động; bà một phòng riêng, cũng gần như thế. “Cầu nối” giữa hai ông bà là “chú Hải”. Anh Hải nói với tôi là anh sinh năm 1963, người Thanh Hóa. Hình như có một sự sắp đặt nào đó của định mệnh để anh gặp nhà thơ và gắn đời mình với Tế Hanh trong nhiều năm qua. Hải kể: “Mùa hè năm 1999, tôi đang chăm sóc người thân tại một bệnh viện ở Hà Nội thì thấy một chiếc xe cấp cứu chở theo một cụ già, vô nằm gần người nhà của tôi. Vài giờ sau thì thấy toàn những người nổi tiếng về văn thơ mà tôi từng nghe như Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh… ghé thăm ông. Hỏi ra mới biết ông già ấy là nhà thơ Tế Hanh-một nhà thơ mà tôi hằng ngưỡng mộ từ bé nhưng chưa bao giờ dám nghĩ là mình sẽ được gặp. Không ngờ tôi lại gặp nhà thơ trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt thế này. Từ lúc ấy, linh cảm đã mách cho tôi rằng, hình như đời tôi sẽ gắn với ông. Sau khi lo xong việc cho người nhà, tôi trở về Thanh Hóa, nói với vợ con rằng tôi ra Hà Nội có việc đặc biệt. Tôi tìm đến nhà thơ và chăm sóc ông cho đến giờ”. Dĩ nhiên là những người con của nhà thơ Tế Hanh không để cho anh Hải chăm sóc “miễn phí” đâu, thế nhưng, việc tự nguyện gắn bó với Tế Hanh của anh Hải là một nghĩa cử lạ thường. Hải nói rằng anh có ba đứa con, chị vợ làm ruộng ở quê. Nhà rất cần anh nhưng khi nghe anh trình bày với vợ về công việc hiện tại của mình, vợ anh chẳng những không phản đối mà còn ủng hộ nhiệt liệt nữa! Có thể gọi đó là cuộc kỳ ngộ giữa anh Hải với Tế Hanh. Là bởi, chưa thấy một nông dân chay nào như anh Hải mà lại thuộc nhiều thơ của Tế Hanh đến vậy. Gặp tôi, Hải như người sắp chết đuối vớ phải cọc, anh đọc liên tù tì những bài thơ của Tế Hanh, từ tiền chiến cho đến thời cách mạng, không vấp một chữ! Tế Hanh nằm một chỗ từ năm 1999 đến giờ nhưng căn phòng của ông luôn sạch sẽ do sự chăm sóc quá chu đáo của anh Hải. Tuy nhiên, sạch là thế nhưng căn phòng ấy luôn bốc lên cái mùi của người đau ốm mà chỉ có lòng ngưỡng mộ không thôi thì cũng chưa đủ để giúp sức cho người chăm sóc có thể chịu đựng được trong nhiều năm liền mà cần có tình thương yêu vô hạn nữa. Anh Hải đã “vô hạn” với nhà thơ như thế. Bù đắp cái tình không đo đếm được ấy là những “thông điệp” của Tế Hanh gửi cho Hải mà chỉ có anh mới có thể giải mã được. Chỉ cần một tiếng rên khẽ của nhà thơ là Hải biết Tế Hanh cần gì rồi. Lúc mới lâm nạn, có một thời gian ngắn, Tế Hanh còn tỉnh táo, có lẽ đó là khoảng thời gian mà hai người đã “ký kết giao ước” với nhau chăng? Nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết: “Bây giờ Tế Hanh đang trò chuyện với dòng sông của mình. Trong im lặng”. Tôi xin thêm: Dòng sông ấy, có một nhánh mang tên Hải. Ghi thêm: Chiều nay (16-7) nghe tin ông mất, quê nhà Quảng Ngãi của nhà thơ mưa gió tơi bời. Không biết có mối liên hệ nào chăng? Xin được thắp nén hương bái vọng ông từ quê nhà xa hút. Xin một lần nữa được cảm ơn anh Hải, dù tôi biết đã hơn một năm qua, Hải không còn ở bên nhà thơ nữa.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=152758&sub=134&top=43