Chủ khách sạn đặt camera quay lén có vi phạm pháp luật?

(ĐSPL) - Chủ khách sạn đặt camera quay lén cảnh mua dâm của khách hàng. Hành vi đặt camera quay lén của chủ khách sạn đã vi phạm pháp luật như thế nào?

Diễn biến vụ việc

Mới đây, trên một số báo có đưa tin, ông Triệu Đức N. (chủ nhà nghỉ tại xã Ea Tý, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã có đơn tố cáo lên cơ quan chức năng về clip mua dâm của một vị cán bộ TAND huyện này là ông N.V.B.

Lý giải việc có clip này, chủ nhà nghỉ cho biết vợ của ông cho chứa mại dâm tại nhà nghỉ (bà vợ đã bị khởi tố, xét xử 5 năm 6 tháng tù) nên bà có lén gắn máy quay phim trong các phòng VIP.

Sau khi vợ bị xét xử, ông ngồi lục lại đồ đạc, máy tính trong nhà và tìm thấy clip quay cảnh cán bộ tòa án trên đang trong phòng nghỉ với một cô gái nên đã đi tố cáo (ông còn tố cáo cả đường dây một số cán bộ đã nhận tiền ông "chạy án" cho vợ mình nhưng rồi bà vẫn bị xử tù).

Gần đây, nhiều người tham gia mạng xã hội cũng nhận được những bài "cảnh báo" về tình trạng nhà nghỉ, khách sạn có gắn gương hai chiều (camera giấu dưới gương) và chia sẻ cách phát hiện gương hai chiều này.

"Bí kíp" nhận biết gương hai chiều bằng cách đặt ngón trỏ vuông góc với mặt gương, nếu cho ảnh như bên phải là gương hai chiều đang gây tranh cãi trên các trang mạng về tính chính xác của phép thử này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước thông tin về vụ việc này, vấn đề đang được dư luận quan tâm là hành vi đặt camera quay lén khách của chủ nhà nghỉ có phạm luật?

Theo đó, mặc dù phòng nghỉ thuộc sở hữu của chủ nhà trọ, khách sạn nhưng khi chủ khách sạn kinh doanh dịch vụ, đã hợp đồng cho khách thuê phòng trong một khoảng thời gian nào đó thì trong khoảng thời gian đó, khách được toàn quyền sử dụng phòng mà chủ khách sạn không thể tự tiện mở cửa phòng của khách trừ những tình huống khẩn cấp.

Tương tự, hành vi của người nào đó lén lút đặt máy quay tại phòng nghỉ hay nhà vệ sinh, khu vực thay quần áo... để ghi hình ảnh riêng tư của người khác tại những khu vực này đều là hành động vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý nghiêm.

Nếu phát hiện hành vi lén lút quay phim trên, khách có thể báo với cơ quan công an đề nghị xử lý, ngăn chặn việc phát tán những hình ảnh riêng tư của mình và đòi chủ nhà nghỉ phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho mình.

Như vậy, hành vi lắp đặt camera ghi lại mọi hoạt động trong phòng tại nhà nghỉ của nhiều khách thuê phòng là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư của công dân được quy định tại Điều 31 và Điều 38 Bộ luật Dân sự.

Điều 31 Bộ luật dân sự:

"Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh."

Điều 38 Bộ luật dân sự:

"Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền."

Bộ luật hình sự hiện hành quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự với tội mua dâm, nhưng khi có người gửi đơn tố cáo về hành vi mua dâm đến cơ quan chức năng thì chứng tỏ đã có dấu hiệu tội phạm liên quan đến vấn đề mại dâm (điều 253, 254 Bộ luật hình sự).

Do đó, theo quy định tại điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan chức năng có trách nhiệm khởi tố vụ án để xác định tội phạm và xử lý.

Tùy vào mục đích của việc quay lén đó mà người quay lén có thể bị xử lý hình sự về các tội cụ thể.

Chẳng hạn, nếu chủ khách sạn cho quay lén sau đó phát tán nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của khách thì sẽ bị xử về tội làm nhục người khác hoặc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (tùy nội dung, hình ảnh trong clip)...

Điều 121. Tội làm nhục người khác:

"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Điều 253. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy:

"1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, aả̉nh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

b) Phổ biến cho nhiều người;

c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

c) Đối với người chưa thành niên;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng."

Hoặc nếu việc quay lén đó nhằm mục đích tống tiền của khách thì người quay lén có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản của người khác.

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản:

"1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Nếu những hình ảnh này được người tố cáo tiếp tục phát tán, phổ biến cho nhiều người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy theo điều 253 Bộ luật hình sự.

Điều 253. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy:

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, aả̉nh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

b) Phổ biến cho nhiều người;

c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

c) Đối với người chưa thành niên;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

Ngoài ra, từ việc tố cáo của ông N. thì cơ quan chức năng cũng cần làm rõ có hay không việc đưa và nhận hối lộ giữa những người có liên quan về số tiền chạy tội cho vợ ông N để xử lý theo quy định pháp luật.

Kim Thành

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/chu-khach-san-dat-camera-quay-len-co-vi-pham-phap-luat-a90085.html