Chủ nghĩa dân tộc đe dọa nỗ lực chống COVID-19

'Chủ nghĩa dân tộc vaccine' khiến các nước tranh giành nhau để sở hữu đủ số liều cho những công dân của mình, thay vì hợp tác và chia sẻ rộng khắp.

Nghiên cứu điều chế vaccine COVID-19 tại Đại học Pittsburgh, Mỹ. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu điều chế vaccine COVID-19 tại Đại học Pittsburgh, Mỹ. Ảnh: Reuters

Một quốc gia giàu có ký hợp đồng điều chế vaccine trị giá hơn 100 triệu USD với một nhà sản xuất tại một nước nhỏ. Khi vaccine được bào chế thành công, chính phủ của nước nhỏ lại “bẻ kèo”, đòi phải có đủ vaccine cho toàn bộ dân số nước này trước rồi mới xuất khẩu. Ðó là điều từng xảy ra vào năm 2009, khi Chính phủ Úc ra lệnh cho công ty công nghệ sinh học lớn nhất xứ chuột túi là CSL đáp ứng nhu cầu vaccine phòng cúm A (H1N1) trong nước trước khi gửi bất cứ chế phẩm nào cho Mỹ.

Câu chuyện trên cũng chính là điều mà các chuyên gia y tế công cộng đang lo ngại khi thế giới lao vào cuộc đua bào chế vaccine phòng COVID-19. Thông qua chương trình “Operation Warp Speed”, Mỹ sẽ đầu tư để nghiên cứu khoảng 7 loại vaccine tiềm năng. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng nói rõ việc chia sẻ vaccine cho các nước khác chỉ được thực hiện sau khi nhu cầu của xứ cờ hoa được đáp ứng. Hồi tháng 6, một quan chức Mỹ khẳng định ưu tiên hàng đầu là có vaccine COVID-19 cho những người ở nước này. Lập trường đó cũng đã khiến Washington hôm 1-7 quyết định thu gom lượng lớn thuốc remdesivir của thế giới. Remdesivir là một trong số ít phương pháp điều trị được chứng minh có hiệu quả đối với COVID-19.

Về vấn đề “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, Liên minh Vaccine (GAVI) thừa nhận chính phủ các nước muốn bảo vệ người dân của họ là chuyện bình thường, nhưng lưu ý rằng “chúng ta sẽ không được an toàn trừ phi mọi người đều an toàn”. Theo các chuyên gia y tế công cộng, các nước cùng hợp tác tạo ra vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ mọi người. Ngay khi một loại vaccine được chứng minh an toàn và hiệu quả, nó sẽ được sản xuất và đưa đến các y bác sĩ tuyến đầu ở những “điểm nóng” trên toàn cầu, rồi mới tới lượt những nhân viên y tế khác và dân số còn lại của thế giới. Dù vậy, thực tế rất khó chứng kiến cảnh một chính khách đồng ý chia sẻ 30% vaccine của họ cho những quốc gia ở châu Phi hạ Sahara.

Do vậy, gần đây, các chuyên gia Tổ chức Eurasia (Ðức) đã lên tiếng cảnh báo “chủ nghĩa dân tộc vaccine” đang biến việc tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19 thành cuộc chạy đua, cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho kinh tế và sức khỏe công cộng. Eurasia dự báo căng thẳng xung quanh vaccine sẽ nóng lên trong hè này và cuộc tranh giành quyền tiếp cận chế phẩm giúp ngừa bệnh sẽ kéo sang năm 2021 hoặc 2022.

Trước tình hình trên, tỉ phú Mỹ Bill Gates đã phải kêu gọi các hãng dược cùng lãnh đạo thế giới phân phối thuốc và vaccine COVID-19 đến những khu vực cần chúng nhất, thay vì các nước trả giá cao nhất. “Nếu chỉ dành thuốc và vaccine cho những người trả giá cao nhất, thay vì người cần chúng nhất, nhân loại sẽ đối mặt với một đại dịch dài, bất công và chết chóc hơn” - ông Gates phát biểu. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus hồi tháng rồi nhấn mạnh mọi loại vaccine được xem là hàng hóa công toàn cầu cần phải được thúc đẩy và giới lãnh đạo cần đưa ra cam kết chính trị.

Hiện nay trên toàn cầu có ít nhất 160 vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm, trong đó 21 vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, tính đến trưa 13-7, thế giới ghi nhận trên 13 triệu ca nhiễm COVID-19 với hơn 572.000 người tử vong.

HẠNH NGUYÊN (Theo USA Today, CNBC)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chu-nghia-dan-toc-de-doa-no-luc-chong-covid-19-a123286.html