Chủ nhân giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 tự tin nói với vợ: 'Em đã có sự lựa chọn không tồi'

Với công trình nghiên cứu về vật lý vũ trụ được công bố trên tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, TS Đỗ Quốc Tuấn- giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã vinh dự nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

Sinh năm 1985 tại Hòa Bình, TS Đỗ Quốc Tuấn tốt nghiệp chuyên ngành Vật lí lí thuyết tại Trường Đại học KHTN vào năm 2008. Từ năm 2008 đến năm 2015, anh học cao học và nghiên cứu sinh tại Viện Vật lí, Đại học Quốc gia Chiao Tung Đài Loan dưới sự hướng dẫn của GS Kao Wang Fong, một chuyên gia về vũ trụ học.

Năm 2016, anh chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Bộ môn Tin học Vật lí, Trường ĐH KHTN, ĐHQGHN với hướng nghiên cứu chính là Vũ trụ học.

Với công trình nghiên cứu "Higher dimensional nonlinear massive gravity" (Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng) công bố trên tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, anh đã được lựa chọn trao giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

Nói về công trình nghiên cứu của mình, TS Đỗ Quốc Tuấn cho biết: Lí thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng là chủ đề nghiên cứu thời sự trong Vật lí và Vũ trụ học. Để giải thích được một số hiện tượng vật lí và vũ trụ học, người ta có thể cần phải mở rộng lí thuyết này lên không thời gian có số chiều lớn hơn bốn.

Hầu hết các công trình trước đây về lí thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng đều tập trung nghiên cứu trong không thời gian bốn chiều. Các kết quả tính toán của công trình này cho thấy lí thuyết hấp dẫn phi tuyến trong mô hình không thời gian bốn chiều hoàn toàn có thể mở rộng lên không thời gian năm chiều hoặc cao hơn nữa.

Công trình của TS Đỗ Quốc Tuấn được thực hiện trong gần hai năm, từ 2014 đến đầu 2016 với ý tưởng được khởi tạo khi anh còn là nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý, Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Physical Review D năm 2016 - một trong những tạp chí uy tín hàng đầu trong giới vật lý lý thuyết, thuộc hệ thống tạp chí của Hội Vật lý Mỹ.

Trong khi các bài báo vật lý thường dài 6-10 trang, thời gian công bố mất từ 4 đến 6 tháng hoặc thậm chí một năm, thì bài báo của TS Tuấn dày 21 trang và công bố chỉ trong hai tháng do không phải sửa chữa gì về nội dung.

TS Đỗ Quốc Tuấn nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018

TS Đỗ Quốc Tuấn nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018

Chia sẻ niềm vui khi nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay, TS Đỗ Quốc Tuấn dẫn lại lới của nhà vật lí lí thuyết nổi tiếng Andrew Strominger của đại học Havard: Niềm vui của một nhà khoa học đó là tạo nên những khám phá thú vị chia sẻ với người thân và đồng nghiệp và được ghi nhận xứng đáng.

TS Tuấn cho rằng hôm nay, anh đã có một "niềm vui nho nhỏ" của một nhà khoa học với sự nghiệp nghiên cứu còn non trẻ. Được nhận giải trong ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18/5 là niềm tự hào đối với một nhà khoa học, những người đang thực hiện những công việc nghiên cứu, giảng dạy khoa học thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng.

Các nhà khoa học bằng những đóng góp thầm lặng của mình đã làm thay đổi nền văn minh của con người và thế giới luôn nhắc đến họ với niềm biết ơn sâu sắc.

TS Tuấn nhắc đến những đóng góp của các nhà khoa học đối với sự phát triển của xã hội: Nếu không có Newton với những định luật cơ học cơ bản thì sẽ không có lí thuyết để chế tạo những thiết bị cơ khí, những máy móc, phương tiện đi lại để giải phóng sức lao động của con người.

Nếu không có Michael Faraday với các công trình điện từ chúng ta không có các thiết bị kết nối không dây, thông tin liên lạc không dây giúp gắn kết con người trên toàn thế giới như hôm nay.

Nếu không có Planck với thuyết lượng tử chúng ta không có các thiết bị bán dẫn nhỏ gọn như tivi, smartphone, máy tính hay pin mặt trời, một nguồn năng lượng xanh mà chúng ta đang tìm kiếm và ứng dụng. Nếu không có Albert Einstein, chúng ta không có những hiểu biến sâu rộng về vật chất cũng như vũ trụ...

Điểm chung của các nhà khoa học vĩ đại vừa nêu trên là họ không thể hình dung ra hết những ứng dụng và nghiên cứu của họ sẽ được ứng dụng thế nào, có lợi ích gì cho xã hội, cho thế giới, cho nhân loại.

Như nhà khoa học được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 1993 Richard Robert đã từng nói: Vẻ đẹp của nghiên cứu nằm ở chỗ đó là bạn không biết nó đến đâu. Hay như nhà khoa học nhận giải Nobel năm 2012 Serge Haroche từng nói: Ngay cả những người thông minh nhất cũng không thể hình dung ra hết các hệ quả mà nghiên cứu của họ đã tiến hành. Có thể nói mọi đột phá về KHCN đều xuất phát từ những nghiên cứu hết sức cơ bản.

Với việc xây dựng nên giải thưởng mang tên vị Bộ trưởng, nhà khoa học tài ba, Tạ Quang Bửu, để vinh danh các nghiên cứu cơ bản xuất sắc của các nhà khoa học làm việc trong nước, Bộ KH&CN đã cho xã hội thấy sự quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của khoa học cơ bản nước nhà. Đây là một việc làm hết sức kịp thời và đúng đắn, trong bối cảnh khoa học cơ bản dường như đang bị xem nhẹ hơn so với khoa học ứng dụng.

Vui mừng được nhận giải thưởng, TS Tuấn tự hào chia sẻ: Hôm nay là ngày đặc biệt trong cuộc đời nghiên cứu của tôi. Tôi có thể tự tin nói với ba mẹ của mình rằng con đã làm một điều tuyệt vời mà ba mẹ đã mong muốn mong chờ từ lâu. Tôi có thể tự tin nói với người vợ thân yêu rằng em đã có một sự lựa chọn không tồi.

TS Tuấn cũng bày tỏ sự biết ơn các thầy cô giáo đã dạy dỗ, nâng bước anh trên con đường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là giáo sư người Đài Loan Kao Wang Fong của Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan, cảm ơn các bạn bè, đồng nghiệp.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/chu-nhan-giai-thuong-ta-quang-buu-2018-tu-tin-noi-voi-vo-em-da-co-su-lua-chon-khong-toi-3929057-v.html