CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ, VKSNDTC, TANDTC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC KIẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, sáng ngày 12/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2019.

Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao với nhiều kết quả tích cực

Trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy năm 2019, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Các biện pháp phòng ngừa được triển khai đồng bộ đã tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Một số loại tội phạm giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ.

Kết quả công tác của ngành KSND đạt và vượt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Đặc biệt, một số hạn chế được Ủy ban Tư pháp chỉ ra trong Báo cáo thẩm tra năm 2018, đã kéo dài qua một số năm, thì năm nay đã có chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.

Toàn cảnh phiên họp

Đánh giá cao kết quả công tác của ngành TAND với những kết quả đạt được năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, điểm nhấn mạnh là trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. TAND các cấp đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh 240 vụ án tham nhũng, 517 bị cáo (tăng 83 vụ, 119 bị cáo). Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời, được dư luận đánh giá cao. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội.

Về công tác thi hành án, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, số vụ khiếu nại, tố cáo dân sự được giải quyết cao hơn. Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong thi hành án hành chính. Việc tổ chức thi hành án tử hình được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh an toàn, vệ sinh môi trường, không có trường hợp khiếu nại, tố cáo.

Nhiều vụ giết người tàn bạo vẫn tiếp diễn

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ, mặc dù về tổng thể chung, tình hình tội phạm có chiều hướng giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, vô nhân tính; đặc biệt có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác, "ngáo đá" vì sử dụng ma túy tổng hợp, gây lo lắng trong nhân dân. Mặc dù số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều, xử lý nghiêm nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em không giảm, vẫn xảy ra ở nhiều nơi; tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đáng lưu ý là đối tượng xâm hại phần lớn là người quen, thậm chí là ruột thịt của nạn nhân; động cơ phạm tội thấp hèn; một số vụ đối tượng phạm tội do sử dụng rượu, bia... Điều này cho thấy đạo đức trong một bộ phận xã hội, gia đình xuống cấp nghiêm trọng, đáng báo động; đồng thời cũng cảnh báo về công tác phòng ngừa xã hội còn chưa tốt.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai xảy ra ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, gây thất thoát lớn về tài sản của nhà nước nhưng việc phát hiện, xử lý chậm và còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý về trật tự xây dựng đô thị ở nhiều địa phương còn bị buông lỏng, nhiều vụ xây dựng công trình nhà ở trái phép diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm phát hiện; một số cán bộ tiếp tay, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tình trạng mua bán người vẫn rất phức tạp, nhất là ở những địa bàn miền núi, khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng việc phát hiện, ngăn chặn không được nhiều. Nạn môi giới mua, bán bộ phận cơ thể người, mang thai hộ vì mục đích thương mại đang diễn biến phức tạp, nhưng đến nay vẫn chưa được đánh giá một cách tổng thể về loại tội phạm này và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tai nạn giao thông tuy có giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người. Đáng lưu ý là nhiều vụ tai nạn do lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích; phương tiện không đảm bảo an toàn, cho thấy công tác đào tạo, cấp bằng lái xe, kiểm định chất lượng phương tiện và kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn chưa tốt.

Đặc biệt, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Vẫn còn 1.970 tố giác, tin báo quá hạn giải quyết; số quyết định khởi tố, không khởi tố vụ án bị hủy tăng 153,8%. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, có 595 quyết định không được VKSND phê chuẩn. Số người bị tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, không xử lý hình sự giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn nhiều. Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế, VKSND các cấp đã hủy quyết định khởi tố bị can của CQĐT đối với 125 người. Số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra trong năm 2019 vẫn tăng tới 18,17% số vụ, 24,56% số bị can; cho đến nay còn tới 96.800 vụ án bị tạm đình chỉ, trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đáng lưu ý để xảy ra một số trường hợp bị khởi tố oan. Một số cán bộ điều tra bị khởi tố về tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Còn xảy ra tình trạng điều tra, truy tố, xét xử không đúng thẩm quyền

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt đươc, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, Một số VKSND vẫn chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp luật. Đáng lưu ý, số trường hợp bị oan tăng 50% so với năm 2018. Chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu. Có 20 trường hợp VKSND rút một phần quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa; 49 trường hợp TAND trả hồ sơ để yêu cầu VKSND khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới. Năm 2019, CQĐT cấp trung ương điều tra cả những vụ án không thuộc thẩm quyền được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc điều tra, truy tố, xét xử không đúng thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là phải hủy án. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp VKSNDTC vẫn phê chuẩn, chấp nhận. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC có giải pháp để khắc phục thực trạng này.

Bên cạnh đó, chất lượng tranh tụng của một số Kiểm sát viên còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị. Số kháng nghị phúc thẩm của VKSND cấp trên vẫn chiếm 35,5%. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra VKSNDTC còn chưa đạt yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội. Số lượng các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp được phát hiện trung bình nhiều năm qua chỉ ở mức từ 50 vụ đến 60 vụ/01 năm, trong các vụ án về tham nhũng thì vẫn chiếm tới 40% là vụ án đối với cán bộ của Cơ quan THADS, theo phản ánh của cử tri là số liệu này chưa thật sự phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Ngoài ra, chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án trong một số phiên tòa chưa cao, nhất là các vụ án liên quan đến đất đai. Trách nhiệm của VKSND trong việc phát hiện vi phạm và kháng nghị có phần hạn chế; VKSND ngang cấp mặc dù tham gia gần 100% phiên tòa nhưng không phát hiện được vi phạm dẫn đến vẫn còn một số lượng lớn kháng nghị phúc thẩm do VKSND cấp trên thực hiện….

Vẫn còn nhiều bản án tuyên không rõ, khó thi hành

Đối với công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, một số trường hợp TAND không áp dụng hình phạt bổ sung trong trường hợp luật quy định bắt buộc phải áp dụng. Một số TAND còn vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa, thời hạn gửi văn bản tố tụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo

Đặc biệt, có đến 254 bản án tuyên không rõ, khó thi hành, 77 vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Theo phản ánh của báo chí, vẫn còn một số vụ án kinh doanh thương mại chậm được giải quyết làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Còn 0,44% bản án bị hủy và 0,6% bản án bị sửa do nguyên nhân chủ quan. Số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với bản án của TAND cấp huyện ít hơn nhiều so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh. Một số TAND có vi phạm trong việc thụ lý đơn khởi kiện, xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng; vi phạm thời hạn gửi văn bản tố tụng; vi phạm trong việc thu thập, xác minh chứng cứ…

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao (48,1%), chưa đạt chỉ tiêu 60% theo Nghị quyết Quốc hội. Qua khảo sát cho thấy, vẫn còn một số trường hợp khiếu nại bức xúc do việc giải quyết đơn chưa kịp thời. Theo phản ánh của VKSNDTC, vẫn còn nhiều TAND không chuyển hồ sơ cho VKSND để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không thông báo lý do.

Một số hạn chế trong công tác thi hành án còn được chậm khắc phục

Ủy ban Tư pháp cho rằng, tỷ lệ thi hành án dân dự xong vẫn đạt thấp so với tổng số án có điều kiện thi hành; kết quả thi hành các vụ án trọng điểm mặc dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Kết quả thi hành án nhằm thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ thấp. Các vi phạm trong thi hành án có tính phổ biến kéo dài nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Số vụ việc cưỡng chế thi hành án còn rất ít so với số án có điều kiện thi hành dẫn đến còn tồn đọng lớn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thi hành án hành chính 10 tháng năm 2019 đạt thấp (39%), số vụ án hành chính chưa thi hành xong không những không giảm mà còn tăng gấp hơn 02 lần so với cùng kỳ năm 2018 Ủy ban Tư pháp UBTP cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Việc tồn đọng án hành chính là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, thậm chí năm sau còn nhiều hơn năm trước, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm. Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong việc thi hành các bản án hành chính.

Đặc biệt, số người bị kết án tù trốn thi hành án, số phạm nhân trốn trại tăng so với cùng kỳ năm 2018; có 15 trường hợp phạm nhân chết do tự tử; 03 phạm nhân chết do tai nạn lao động; 01 phạm nhân chết do bị đánh và 04 phạm nhân chết do nguyên nhân khác; số phạm nhân bị kỷ luật giảm nhưng số phạm tội mới lại tăng mạnh.

Đề nghị Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC tiếp tục thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp

Trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra các năm trước nhưng chưa được thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với VKSNDTC tổng rà soát trong số hơn 96 nghìn vụ án đang tạm đình chỉ điều tra từ trước đến nay; xác định những vụ án có đủ điều kiện để phục hồi điều tra theo quy định; xử lý kịp thời những vụ sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng thời hạn.

Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác thi hành án hành chính; kiên quyết xử lý trách nhiệm các Chủ tịch UBND, UBND không chấp hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án và công bố công khai danh sách trước Quốc hội. Đồng thời, bố trí kinh phí bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thực hiện tốt quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhất là kinh phí bảo đảm việc thực hiện quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Viện trưởng VKSNDTC thực hiện đúng quy định về thẩm quyền điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015; chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra, khắc phục triệt để việc điều tra không đúng thẩm quyền. Đồng thời, tăng cường đầu tư và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.

Đồng thời, đề nghị Chánh án TANDTC đánh giá cụ thể nguyên nhân của tỷ lệ giải quyết án hành chính thấp, tỷ lệ hủy, sửa còn cao và có giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và có giải pháp tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đến cử tri; trao đổi và trả lời đại biểu Quốc hội theo đúng quy định./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=41823