Chủ quan với dấu hiệu, bà mẹ trẻ 2 con mắc ung thư di căn

Ung thư đại trực tràng có tỷ lệ mới mắc đứng hàng thứ năm và tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ tư trong các bệnh ung thư. Ung thư đại trực tràng có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, sinh hoạt và có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.

Ung thư đại trực tràng - căn bệnh phổ biến.

Ung thư đại trực tràng - căn bệnh phổ biến.

Chủ quan vì dấu hiệu sớm

Tiểu Ngô, người phụ nữ 29 tuổi ở Trung Quốc là mẹ của 2 đứa trẻ, bình thường cô có thói quen sống rất tốt, không hút thuốc cũng không biết uống rượu, ăn uống đầy đủ 3 bữa mỗi ngày. Tuy nhiên vào giữa tháng 4 năm nay, Tiểu Ngô bị tiêu chảy liên tục trong 1 tháng, cô đã tự uống một số loại thuốc tiêu chảy được kê đơn ở nhà thuốc cạnh nhà, nhưng các triệu chứng không cải thiện.

Ít lâu sau, Tiểu Ngô phát hiện, không những bị tiêu chảy, mà còn có máu trong phân, do vậy cô đã đến bệnh viện để kiểm tra.

Bác sĩ tại bệnh viện kiến nghị Tiểu Ngô làm nội soi đường ruột, kết quả nội soi khiến cô vô cùng sốc. Bác sĩ phán đoán cô bị ung thư biểu mô tuyển đại tràng và các tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết. Nếu phát hiện muộn hơn, nó có khả năng lây lan khắp cơ thể. Tuy nhiên, Tiểu Ngô không thể hiểu được tại sao cô lại bị ung thư?

Bác sĩ cho biết: Bệnh ung thư biểu mô tuyến đại tràng là một dạng của ung thư đại tràng (thuộc ung thư đường ruột) trong đó các tế bào ung thư phát triển từ lớp tế bào biểu mô, tức lớp lót bên trong của ruột già. Theo thống kê cho thấy những người có chế độ ăn giàu chất béo và ít chất xơ là dễ mắc dạng ung thư này nhất.

Theo Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch – nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ tại BV Đa khoa An Việt cho biết, theo tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) 2018, ung thư đại trực tràng là ung thư đứng thứ 5 về tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

GS Nguyễn Khánh Trạch cho biết về ung thư đại trực tràng.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, có 14.733 trường hợp mắc mới ung thư đại trực tràng tại Việt Nam.

Nguyên nhân của ung thư đại trực tràng theo GS Trạch có rất nhiều yếu tố tác động vào. Đầu tiên đó là trong cuộc sống hiện nay, nhiều người có thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa khoa học, do yếu tố di truyền, bệnh polyp tuyến yếu tố gia đình…

Dấu hiệu của bệnh

Trên thực tế, dù tương đối khó nhận biết, nhưng nếu quan sát kỹ, người bệnh vẫn có thể tự phát hiện các dấu hiệu ung thư trực tràng.

Một là, người bệnh có cảm giác chán ăn, đầy bụng. Lúc nào cũng có cảm giác khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không dẫn tới sụt cân, mệt mỏi. Nếu thời gian chán ăn, mệt mỏi kéo dài trên 2 tuần, GS Trạch khuyến cáo người dân nên đi tầm soát ung thư đại trực tràng.

Hai là, đau bụng, những người có bệnh ung thư đại trực tràng sẽ thường xuyên xuất hiện các cơn đau đáng kể ở bụng. Đau bụng được biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu ở vùng dạ dày, từ đó gây ảnh hưởng và khó chịu ở toàn bộ vùng bụng, phổ biến là mệt mỏi phờ phạc và đau bụng từng cơn.

Ba là, sụt cân trong vòng 1-2 tháng nhưng không rõ nguyên nhân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

Bốn là, đi ngoài phân nhỏ hơn, khuôn phân dẹt đây được xem là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng. Do khối u trong lòng đại trực tràng làm cho đường đào thải ra bên ngoài phân gặp phải những vật cản khiến hình dạng và kích cỡ của phân bị biến dạng, thay đổi.

Năm là, đi ngoài kèm máu nhầy. Khác với đi ngoài có máu ở trĩ ung thư đại trực tràng đi ngoài có máu nhầy nhày lẫn trong phân. Còn đi đại tiện có máu do trĩ thường ở cuối phân. Chủ yếu do phân đi qua khối u không chỉ làm cho chúng thay đổi về kích cỡ mà chúng còn gây nên hiện tượng chảy máu lẫn trên phân.

Sáu là, rối loạn đại tiện. Những người mắc ung thư đại trực tràng thường rối loạn tiêu hóa lúc thì đi ngoài phân lỏng, lúc thì táo bón. Chính vì thế, nếu dấu hiệu này bất thường trên 10 ngày người bệnh cần đi kiểm tra ngay.

Bảy là, người bệnh mệt mỏi và căng thẳng, chóng mặt. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

Khi ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%. Tuy nhiên, tại Mỹ chỉ có 4 trong 10 ca ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân giảm thấp rõ rệt khi ung thư đại trực tràng đã xâm lấn, di căn. Đáng tiếc là chỉ có trên 50% người Mỹ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng được sàng lọc.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng cho cộng đồng và đa số bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn bệnh đã tiến triển.

Để dự phòng bệnh, GS Trạch khuyến cáo giảm cân, tránh béo phì, đặc biệt béo bụng, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên với cường độ mạnh.

Xây dựng một chế độ ăn nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến công nghiệp, không uống nhiều bia, rượu, không hút thuốc, bổ sung canxi và vitamin D là cách hữu hiệu ngừa ung thư này.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chu-quan-voi-dau-hieu-ba-me-tre-2-con-mac-ung-thu-di-can-post317370.info