Chủ quan với sức khỏe khi tiếc thuốc quá hạn

Vẫn biết hạn sử dụng hay còn được gọi dân dã là 'đát' trên mỗi sản phẩm là một thông tin quan trọng để người mua hàng quyết định có mua, sử dụng loại sản phẩm đó không, và mặt hàng thuốc cũng không là một ngoại lệ. Thế nhưng cũng do đặc thù của loại hàng hóa đặc biệt này mà thuốc vẫn được nhiều người sử dụng dù có quá 'đát' vài ngày…

Nguy hiểm tiềm ẩn

Thuốc là mặt hàng có giá thành không hề rẻ so với mặt bằng chung, một điều nữa là loại hàng hóa này được sử dụng có “thời điểm”, tức là khi đau ốm thì bạn cần mua thuốc, nhưng số lượng thuốc còn thừa khi bệnh đã khỏi thì bỏ đi đâu, nhiều người sẽ cất những loại thuốc này vào tủ thuốc gia đình để phòng trường hợp cần thiết thế nhưng dù được bảo quản tốt đến mấy thì thuốc cũng có tuổi đời riêng của nó.

Hiện nay, một số người đã có thói quen tốt là khi mua thuốc lưu ý rất kỹ hạn dùng. Họ từ chối mua nếu thuốc đó có hạn dùng quá gần, không thể trữ ở nhà lâu dài.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không thấy được tầm quan trọng của hạn dùng đối với thuốc. Thế nên mới có chuyện có người trữ lọ thuốc bổ to chứa hàng trăm viên, khi hạn dùng đã hết nhưng nhìn bề ngoài thấy viên thuốc còn bóng đẹp, vẫn tiếp tục uống để không lãng phí. Đặc biệt, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng lọ thuốc nhỏ mắt khi đã được mở ra rồi thì chỉ được dùng trong thời gian ngắn phải bỏ, chứ không được để dành dù hạn dùng của lọ thuốc này được ghi đến tận năm sau.

Có con gái ở nước ngoài gửi về hơn chục lọ thuốc bổ, ông Bảo và bà Nghĩa (quận Đống Đa, Hà Nội) dù đã rất “tích cực” uống số thuốc này vẫn không hết, tuy nhiên đối với loại thuốc bổ thì không thể dùng trong suốt một thời gian dài, vì thế ông Bảo lại mang những lọ thuốc quý của con cất vào tủ thuốc gia đình và đợi đến thời điểm để tiếp tục uống, khi cầm lọ thuốc cuối cùng ông Bình mới nhận thấy lọ thuốc này đã hết hạn sử dụng từ lâu, nhưng phần vì tiếc của, phần vì nghĩ rằng đây là thuốc bổ nên cũng không có ảnh hưởng gì nếu sử dụng khi đã quá hạn nên ông Bảo và bà Nghĩa vẫn tiếp tục uống lọ thuốc cuối cùng này.

Thế nhưng sau khi sử dụng được một tuần thì cả ông Bảo và bà Nghĩa đều bị mẩn ngứa khắp người, tới Viện Da liễu khám thì được chẩn đoán là do bị dị ứng thuốc, đến lúc này ông Bảo mới cho biết là bởi tiếc lọ thuốc bổ của con gửi về nên giờ mới khổ thế này…

Trường hợp của anh Thành (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) chia sẻ, do chơi thể thao nên anh thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, trong nhà lúc nào cũng có rất nhiều loại thuốc này, có lần do sơ suất anh đã dùng phải thuốc giảm đau đã quá hạn sử dụng, thấy thuốc uống không những không có công hiệu mà còn kèm theo triệu chứng mệt mỏi, chán ăn nên anh Thành mới đi khám bác sĩ thì được biết anh gặp phải “phản ứng phụ” do dùng thuốc giảm đau đã quá đát.

Theo Luật Dược, hạn dùng là một trong những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thuốc (bên cạnh số đăng ký, số lô sản xuất, ngày sản xuất). Nếu trên nhãn không ghi hạn dùng thì thuốc đó được cho là giả. Cũng theo luật định, mua bán, sử dụng thuốc quá hạn dùng là bất hợp pháp. Nên lưu ý, thuốc hết hạn sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng mặc dù trông bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có gì thay đổi.

Thuốc quá hạn không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin, khi quá hạn dùng trở thành chất độc gây hại thận, theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường ở ĐH Dược Curtin - Úc.

Thuốc dù chưa quá hạn nhưng nếu bảo quản không đúng cách cũng rất dễ gây nguy hiểm. Ảnh: B.Sa

Không được tùy tiện khi dùng thuốc quá hạn sử dụng

Để xác định hạn dùng của một loại thuốc, nhà sản xuất không ấn định bừa mốc thời gian nào đó mà phải thử độ ổn định của thuốc. Đó là tập hợp các thí nghiệm với độ tin cậy cao được thiết kế để xác định tuổi thọ và hạn dùng của thuốc. Tặng hay bán thuốc quá đát cho bất cứ ai, không chỉ cho gia đình chính sách, đều hết sức nguy hiểm cho người dùng.

Thậm chí muốn thuốc tốt phải tuân thủ các nguyên tắc bảo quản. Như khi mua thuốc về nếu không dùng ngay nên để nơi có nhiệt độ mát, khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào. Một số thuốc có đến hai hạn dùng. Đó là các thuốc không phân liều, được dùng nhiều lần.

Điển hình là thuốc nhỏ mắt, ngoài hạn dùng ghi trên bao bì, hộp, nhãn thuốc (hạn dùng khi thuốc chưa được mở) còn có hạn dùng nữa phải tính khi lọ thuốc nhỏ mắt được mở ra sử dụng, đó là sau 15 ngày dùng thuốc, nếu thuốc còn thừa phải bỏ đi vì sau nhiều lần sử dụng lọ thuốc có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc. Có chị em trữ thuốc ngừa thai loại viên uống trong phòng tắm với mục đích để không quên việc uống thuốc. Chính việc trữ thuốc trong phòng tắm sẽ hại thuốc vì đây là môi trường có độ ẩm cao, hơi nước sẽ ngấm vào thuốc làm giảm chất lượng.

Thuốc nước tiêm hay uống dùng nhiều lần cũng vậy, sau khi dùng cho một đợt điều trị (có thể sau một ngày hay một tuần) còn thừa phải bỏ, không nên căn cứ hạn dùng được ghi mà để dành dùng sau này, rất nguy hiểm.

Trong thực tế, vẫn có nhiều loại thuốc đã quá hạn sử dụng được ghi trên vỏ hộp. Một nghiên cứu do cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho thấy nhiều loại thuốc vẫn còn hiệu lực sau khi đã quá hạn sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, FDA khuyến cáo không sử dụng thuốc quá hạn vì sẽ đối mặt nhiều rủi ro khôn lường.

Trước hết, đa số thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên hiệu lực, thậm chí không còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là thuốc sẽ không có đủ khả năng chống chọi với những chứng bệnh hoặc những rối loạn mà chúng vốn có khả năng dập tắt khi còn ở hạn sử dụng. Hơn nữa, sử dụng thuốc quá hạn cũng làm cho người dùng có một cảm giác “an toàn giả”.

Cứ tưởng rằng sau khi uống thuốc thì bệnh sẽ hết nhưng thực tế, thuốc đã giảm tác dụng; thay vì thời gian bình phục sớm hơn thì người sử dụng vẫn còn yếu ớt, nếu uống một liều tiếp cũng là thuốc hết hạn sẽ làm bệnh có thể trở nặng thêm. “Vậy nên đừng vì tiếc thuốc mà thiệt thân, mỗi người cần có ý thức trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt không được dùng bất kỳ loại thuốc nào đã quá hạn sử dụng”, dược sĩ Vũ Thị Thu, trường ĐH Y-Dược Thái Nguyên cho biết.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chu-quan-voi-suc-khoe-khi-tiec-thuoc-qua-han-110326.html