Chữ quốc ngữ: Cơ hội ngẫu nhiên hay lựa chọn tất yếu?

Dân tộc Việt Nam từng có chữ Nôm, biểu tượng của sự sáng tạo đặt trong tương quan so sánh với chữ Hán. Và cũng đã có lúc, chữ Nôm được coi là quốc ngữ. Vậy tại sao cuối cùng nó lại phải nhường trận địa và vai trò lịch sử cho chữ quốc ngữ? Đấy là một câu chuyện dài, cần phải được nhìn nhận trong những vận động vừa tương đồng vừa khác biệt của những vùng văn hóa chữ Hán cổ truyền.

Những sự sáng tạo thuộc vùng văn hóa chữ Hán

Vùng văn hóa chữ Hán là một khái niệm không quá rạch ròi, trong bài viết này người viết tạm hạn chế trong các nước Đông Á có lịch sử sử dụng chữ Hán làm ngôn ngữ viết chính thức, bao gồm Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Mỗi nước có những con đường riêng trong quá trình phát triển văn tự của bản thân.

Trước hết nói qua về Nhật Bản. Nhật Bản tiếp thu văn hóa Hán từ rất sớm, ngay từ đời Đường đã có những vị như Abe no Nakamaro hay thiền sư Kukai (Không Hải) sang Trường An học tập và làm việc, Nhật Bản vì thế cũng sử dụng chữ Hán làm chữ viết chính thức từ sớm.

Một lớp học ở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: L.G.

Một lớp học ở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: L.G.

Tuy vậy, ngay từ thế kỉ thứ IX, người Nhật đã sử dụng chữ “giả danh” (kana) để ghi chép tiếng nói của dân tộc mình. Ban đầu, người Nhật sử dụng chữ Hán nhưng chỉ lấy âm đọc (không quan tâm đến nghĩa chữ) ghi âm tiếng Nhật thời kì đó. Sau đó họ sử dụng chữ Hán theo lối Thảo thư để ghi âm, tạo thành hệ thống “bình giả danh” (Hiragana), tiếp theo đó lại dùng các thành phần của chữ Hán tạo ra “Phiến giả danh” (Katakana).

Cho đến ngày nay, người Nhật đồng thời sử dụng cả Hiragana, Katakana và Kanji (Hán tự) để ghi chép. Hệ thống chữ “giả danh” có đặc điểm cơ bản khác biệt với chữ Hán, đó là một hệ thống hoàn toàn chỉ ghi âm tiết, chứ mỗi kí tự không có chức năng biểu ý như chữ Hán.

Ở bán đảo Triều Tiên, chữ viết riêng xuất hiện muộn hơn. Khoảng thế kỉ XV, vua Thế Tông (Sejong) chỉ đạo các văn thần tạo ra một hệ thống chữ viết đơn giản để ghi âm gọi là “huấn dân chính âm” (ghi âm chính xác để dạy người dân đọc sách); năm 1443 bắt đầu tạo chữ, năm 1446 chính thức ban hành. Hệ thống chữ đó vẫn được dùng đến ngày nay, chính là hệ chữ Hangul.

Ở Việt Nam, chữ Nôm có dấu tích từ khoảng thế kỉ XI, XII. Đến thế kỉ XIII, sử sách đã ghi chép về trường hợp Nguyễn Thuyên giỏi làm thơ quốc âm, tuy nhiên thơ văn chữ Nôm thời kì đó không còn lưu lại.

Triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, cũng đã kịp có chủ trương dịch các sách Nho giáo ra chữ Nôm. Đời Lê về sau, chữ Nôm không được dùng trong văn bản chính thức, nhưng rất phổ biến trong giới văn nhân, chủ yếu để sáng tác thơ văn. Chúng ta không xa lạ với những tác phẩm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, hay Nguyễn Du sau này.

Nhưng, như ta đã biết, khoảng thế kỉ XVII, các giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam truyền giáo, họ bắt đầu dùng hệ chữ Latin để ghi chép tiếng Việt, với mục đích ban đầu là để học tiếng Việt dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly nêu một chi tiết thú vị: trong thời kì cấm đạo gay gắt, có lần giáo sĩ phương Tây bị quân lính bắt, nhưng vì quân lính chỉ tìm thấy văn bản tiếng Latin (có thể là tiếng Latin hoặc tiếng Việt ghi bằng kí tự Latin – tạm gọi là hệ thống “tiền Quốc Ngữ”) mà không thấy văn bản Hán Nôm, nên đã thả đi; từ đó đặt ra giả thiết rằng có thể thứ chữ tiền Quốc Ngữ ấy cũng là một hình thức giao tiếp bí mật giữa các giáo sĩ và linh mục bản xứ trong thời kì cấm đạo.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly trong buổi tọa đàm “Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ: chủ nghĩa quốc dân và quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc” do tạp chí Tia Sáng tổ chức mới đây cho rằng chữ Quốc ngữ sở dĩ có thể đi từ giới linh mục ra đến bên ngoài và phổ biến rộng rãi là bởi có sự đồng thuận của nhiều bên, bao gồm sự ủng hộ của người Pháp, sự chấp nhận của triều đình Huế cũng như của cả người dân. Trong phần tiếp theo đây, người viết muốn trình bày đôi chút về lí do của chính bản thân chữ Quốc ngữ nữa.

Sự lựa chọn tất yếu của lịch sử văn tự

Nói đến chữ Hán phải nhắc đến Trung Hoa. Tới hiện tại, người Trung Quốc vẫn sử dụng chữ Hán, không đổi sang hệ thống chữ ghép âm như Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên hay Việt Nam (Nhật vẫn kiêm dụng cả chữ Hán). Nhưng các giáo sĩ cũng đã từng đến Trung Quốc và dùng chữ Latin để ghi âm tiếng Hán, và trong lịch sử hiện đại Trung Quốc cũng đã từng có cuộc vận động bỏ chữ Hán để chuyển sang hệ chữ ghép âm. Một trong những nhân vật tiêu biểu là Lỗ Tấn.

Lỗ Tấn là một nhà văn lớn, có nền tảng văn hóa truyền thống rất dày dặn, nhưng ông cũng là một người đại diện cho tư duy bài trừ cái cũ. Lỗ Tấn cùng nhiều trí thức đương thời cho rằng chữ Hán quá phức tạp, khiến tỉ lệ mù chữ cao, tư duy dân tộc trì trệ, không học được văn minh phương Tây, từ đó kêu gọi bỏ chữ Hán. Cuộc vận động từ bỏ chữ Hán gặp phải rất nhiều khó khăn, không đơn thuần chỉ vì chữ Hán đã được dùng để ghi chép mấy ngàn năm văn minh.

Trang in năm 1651 bên trái là chữ La - tinh, bên phải là chữ Quốc ngữ.

Từ bỏ chữ Hán nghĩa là toàn dân buộc phải học tiếng phổ thông, vì các phương ngữ tiếng Hán khác nhau quá nhiều, người vùng này không thể hiểu tiếng vùng khác; nhưng văn bản chữ Hán thì đều đọc được. Nhưng trong thời kì đó, tiếng phổ thông chưa được phổ cập, nên chưa thể bỏ chữ Hán.

Cuộc vận động đó vẫn còn âm ỉ trong thời kì sau này, mà bước đầu của nó chính là phổ cập tiếng phổ thông. May mắn cho chữ Hán, sau khi phổ cập tiếng phổ thông thì chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng không thể từ bỏ chữ Hán được, và Trung Quốc vẫn hoàn toàn phát triển tốt mà không cần phải bỏ chữ Hán.

Quay trở lại với chữ Quốc ngữ. Câu hỏi được đặt ra là, nước ta đã từng sử dụng chữ Nôm, tại sao không thể tiếp tục sử dụng chữ Nôm như Nhật Bản hay Hàn Quốc tiếp tục sử dụng chữ của họ? Bởi bản thân chữ Nôm có hạn chế riêng của nó. Chữ Nôm không phải hệ thống ghi âm đơn thuần như kana hay Hangul. Chữ Nôm được cấu tạo từ các thành phần chữ Hán, với hình thức tạo chữ giống như chữ Hán.

Một đặc điểm khiến chữ Hán phức tạp là vì số lượng chữ quá đồ sộ, chữ Nôm lại kế thừa đặc điểm đó, trong khi kana hay Hangul có số lượng kí tự khá ít, người học có thể nắm được hết số kí tự và quy tắc ghép âm trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, người học chữ Nôm cần phải biết một lượng chữ Hán nhất định trước, điều đó lại càng khiến chữ Nôm khó phổ biến trong toàn dân. Xét trong lịch sử cũng có thể thấy, đa số người sử dụng chữ Nôm vẫn là các văn nhân, Nho sĩ.

Chữ Quốc Ngữ đúng là được người Pháp hết sức ủng hộ, và triều đình Huế cũng hưởng ứng theo. Chế độ khoa cử được cải cách mạnh mẽ, bên cạnh nội dung thi kinh điển thì có cả thi viết chính tả chữ Quốc ngữ và thi dịch tiếng Pháp.

Có những người ra sức phản đối điều này, điển hình như Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) hay Trần Tế Xương (Tú Xương). Tuy chưa mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hiện đại, nhưng những văn nhân đó mang tư tưởng “Hoa Di”, cho rằng những gì người phương Tây đem tới đều là “tà giáo” hoặc “man di”.

Nhưng cùng với sự du nhập của chủ nghĩa dân tộc hiện đại, một lượng không nhỏ các sĩ phu văn thân yêu nước lại ra sức ủng hộ chữ Quốc ngữ. Họ đã thấy được vấn đề từ bản thân hệ thống văn tự: chữ Hán, chữ Nôm quá phức tạp, không thể nhanh chóng xóa mù chữ cho người dân. Người dân cần được xóa mù chữ để tiếp xúc với văn minh phương Tây, nâng cao tinh thần yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc hiện đại, từ đó dễ dàng kêu gọi người dân cùng tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp và chống triều đình quân chủ hơn.

Cho đến khi các nhà in và các tòa báo ra đời, chữ Quốc ngữ lại càng thể hiện sự ưu việt của nó trong thời đại mới. Nhờ chữ Quốc ngữ, nhờ nhiều người biết đọc biết viết, các ấn phẩm mang xu hướng yêu nước và tư tưởng độc lập nhanh chóng được lan truyền.

Trên thực tế, không cần đợi triều đình Huế chính thức bãi bỏ chế độ khoa cử, càng không cần đợi đến khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tuyên bố chữ Quốc ngữ là hệ thống chữ viết chính thức, chữ Quốc ngữ đã sớm thể hiện vai trò mạnh mẽ của nó trong xã hội.

Có đứt gãy, nhưng…

Trong dòng chảy lịch sử, các nước sử dụng chữ Hán đã dần dần xa rời chữ Hán, cố gắng tạo ra thứ chữ của riêng mình, ghi chép tiếng nói của dân tộc mình. Việt Nam đã có chữ Nôm, nhưng hệ chữ Quốc Ngữ trong thời đại mới đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó; hệ quả tất yếu là chữ Hán và chữ Nôm rút khỏi vũ đài lịch sử, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ.

Không thể phủ nhận, chữ Quốc ngữ cũng đã gián tiếp tạo ra một sự đứt gãy về văn hóa, khiến người ngày nay vất vả hơn trong việc tìm hiểu lịch sử. Nhưng, xin được nhắc lại, chữ Quốc ngữ vẫn là một lựa chọn tất yếu của lịch sử.

Có thể dạy chữ Hán chữ Nôm, nhưng không thể thay thế chữ Quốc ngữ. Nước ta vẫn có thể hàn gắn được sự đứt gãy về văn hóa nhờ vào việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và giáo dục.

Lê Huy Hoàng

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/chu-quoc-ngu-co-hoi-ngau-nhien-hay-lua-chon-tat-yeu-576839/